Minh bạch hóa và công khai hóa thông tin để chung lòng yêu nước

“Nhà mình không thể để hàng xóm vào làm chủ được, mỗi người phải có không gian sinh tồn riêng độc lập. (...) Một quốc gia cũng thế. Thời đại ngày nay, vấn đề chủ quyền lãnh thổ cần được quốc tế hóa, minh bạch hóa, công luận hóa, công khai hóa sự việc”.

Nhắc lại chuyện “các triều đại lịch sử, vua chúa Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền rõ ràng, không úp mở”, nhà sử học nhấn mạnh: “Dù bất luận thế nào, khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì không được im lặng”.

Có lập trường rõ ràng, không úp mở, lên tiếng kịp thời, tránh những “khoảng lặng” khó hiểu, minh bạch hóa, công khai hóa những quan điểm và cách hành xử chính yếu luôn là điều người dân mong mỏi và đòi hỏi từ Chính phủ trong những vấn đề hệ trọng của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao.

Một khi người dân có đầy đủ thông tin thì mới có thể có sự tin tưởng, chung lòng đồng hành cùng nhau và cùng chính quyền nếu độc lập, chủ quyền bị đe dọa. Bài học đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự đã từng thực hiện rất tốt, rất mẫu mực và đáng để hậu thế noi theo!

Và chỉ khi sở hữu được thông tin về những gì đang diễn ra, người dân mới thực sự có điều kiện tham gia một hội nghị Diên Hồng “kiểu mới”, như nhìn nhận của nhà sử học Bùi Thiết: “Tôi nghĩ Hội nghị Diên Hồng là cần thiết nhưng nên thay bằng một hình thức khác, đó là công luận. Hãy thăm dò, điều tra dư luận xem người dân bày tỏ thái độ như thế nào, cách ứng xử thế nào khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm”.

“Tại sao có thể tổ chức để cả nước bình chọn ca sĩ nào hát hay nhất mà những việc quốc gia đại sự như thế mình lại không làm được?”, câu hỏi của nhà nghiên cứu có thể trả lời rất dễ dàng khi chỉ cần giở một tờ báo, một cái click chuột là độc giả có thể biết bất cứ thông tin gì về bất cứ ca sĩ nào, trong cũng như ngoài nước.

Tầm quan trọng của việc Nhà nước cần chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cũng được ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị giai đoạn 1997-2001, khẳng định khi ông cho rằng “không nên chỉ dừng lại ở một vài phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao là xong, mà nhân dân mong được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để từ đó hiểu hết vấn đề”, bởi lẽ “chỉ khi hiểu đúng mới có hành động đúng được”.

Mà một khi thông tin được “thông thoáng” và đa chiều ắt đặt ra những cách nhìn nhận khác nhau trong cùng một vấn đề.

“Ðiều quan trọng là chúng ta phải ngồi lại được với nhau để bàn bạc và thống nhất ý kiến, thống nhất ý chí và hành động. Không gì bất hạnh hơn bàn về tình yêu đất nước lại chia rẽ chúng ta!”, có thể coi khẳng định của TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là sự chốt lại những phát ngôn nhân kỷ niệm tết độc lập về một vấn đề nóng bỏng trong thời gian gần đây: Độc lập dân tộc và cương vực nước nhà...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm