TS-BSBùi Minh Trạng,Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì người bệnh có đến bảy quyền, trong đó có hai quyền quan trọng nêu trên. Tuy nhiên, hai quyền cơ bản này đang bị chính bệnh viện và các y, bác sĩ xâm phạm do vô ý hoặc thậm chí cố tình.
Thông tin bệnh nhân ai muốn biết cũng được
. Phóng viên: Thưa ông, ai có quyền được biết thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân?
+ Chỉ có một số đối tượng được biết các thông tin này là nhóm cơ quan tư pháp, nhóm điều trị trực tiếp và những người tham gia hội chẩn, nhóm nghiên cứu khoa học (chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu chứ không được tiết lộ). Cuối cùng là người bệnh hoặc người được người bệnh muốn cho biết.
. Nhưng thực tế cho thấy không quá khó để biết thông tin của bệnh nhân nào đó. Nếu tôi giả danh người nhà bệnh nhân hoặc quen biết và hỏi bác sĩ thì ắt sẽ biết?
+ Đúng vậy. Hiện nay các y, bác sĩ có thói quen không giải thích trực tiếp cho người bệnh mà cho người khác (như thân nhân chẳng hạn) khi phát hiện bệnh nhân bị bệnh lý ác tính hoặc bệnh hiểm nghèo. Mục đích giải thích cho thân nhân người bệnh trong trường hợp này là để phối hợp điều trị và giúp hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân tốt hơn.
Tuy nhiên, luật trên bắt buộc họ phải giải thích cho người bệnh để nhắm đến việc bảo vệ đời tư cho bệnh nhân. Thí dụ bệnh nhân bị các bệnh ác tính, mạn tính…, họ không muốn thông tin này lan truyền ra ngoài làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và tương lai phát triển của bản thân.
Những người liên quan trong việc điều trị cho bệnh nhân phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin bệnh tật của bệnh nhân, trừ một số trường hợp theo luật định. Ảnh: TÙNG SƠN
Ngoài ra, có một nguyên nhân khiến các bác sĩ vi phạm là khi có người nhờ (do quen biết) thì bác sĩ sẽ kể cho nghe tất tần tật. Nhiều khi một bác sĩ ở khoa khác không dính dáng gì đến việc điều trị cho bệnh nhân này cũng có thể dễ dàng cầm bệnh án lên xem. Xem ra quyền được giữ bí mật thông tin đời tư của bệnh nhân hiện nay còn nhiều hạn chế.
. Không loại trừ các công ty bảo hiểm tư nhân cũng có thông tin bệnh nhân?
+ Đúng là có nhiều đơn vị cung cấp thông tin bệnh tật của bệnh nhân cho các tổ chức bảo hiểm tư nhân. Chuyện này theo luật là không đúng. Nhiều bệnh viện hỏi tôi việc này và tôi luôn bảo phải có sự đồng ý của bệnh nhân bằng văn bản và mức độ tiếp cận cũng phải được xem xét kỹ lưỡng. Bởi thông tin này rất quan trọng, nếu có ai đó cố ý tung tin ông A, B, C bị ung thư nhưng ông này trong diện quy hoạch thì sẽ bị ngưng liền…
. Tại sao đã có luật mà các bệnh viện vẫn cứ sai phạm?
+ Việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Ví dụ, không phải bác sĩ nào cũng có đủ trình độ, kỹ năng để giải thích cho một bệnh nhân biết rõ tình trạng bệnh mà người bệnh không bị sốc… Hoặc bệnh nhân có thể có những suy nghĩ tiêu cực mà đạo đức bác sĩ không cho phép họ gây hại bệnh nhân. Thế là nhiều bác sĩ chọn giải pháp là giải thích cho người nhà. Do đó, các nhà làm luật phải xem xét, diễn giải và chia ra nhiều trường hợp để bệnh viện có cách ứng xử phù hợp, bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì cho người nhà biết…
Khám bệnh xong không biết mình bệnh gì (!)
. Cónhiều trường hợp bệnh nhân khám xong ra về mà chẳng biết mình bị bệnh gì, điều trị ra sao?
+ Quyền quan trọng khác của người bệnh là được biết thông tin bệnh tật của mình để hiểu và có cách thức chọn lựa phương pháp, nơi điều trị thích hợp. Như vậy, khi vào một bệnh viện và trở ra thì họ phải biết mình bệnh gì và hướng điều trị ra sao. Song một số nơi chưa thực hiện quyền này cho người bệnh một cách đầy đủ. Nguyên nhân khách quan do bệnh nhân đông quá, bác sĩ không có thời gian để giải thích đến nơi đến chốn. Từ đó nảy sinh vấn đề trái khoáy là người bệnh ra ngoài nhờ bác sĩ quen hỏi bác sĩ khám cho mình là mình bị bệnh gì. Hoặc thân nhân vào hỏi “cha, mẹ, con… tôi bị gì?”. Mặc dù trên tay bệnh nhân đã cầm toa thuốc và có chẩn đoán nhưng các thông tin được ghi rất vắn tắt, thậm chí chỉ là những ký hiệu, bệnh nhân không biết đường nào lần. Đối với bệnh nhân nằm nội trú, lẽ ra bác sĩ phải cung cấp chi tiết thông tin về tình hình bệnh tật cho bệnh nhân nếu bệnh nhân còn tỉnh táo nhưng nhiều bác sĩ lại không nói rõ…
Bác sĩ phải gần như bàn luận và thỏa thuận với bệnh nhân để phối hợp điều trị vì biết đâu bệnh nhân chỉ có thể thu xếp được năm ngày để nằm bệnh viện, nếu bác sĩ chỉ định đến 10 ngày thì giữa chừng họ sẽ bỏ trốn! Chính vì không giải thích cặn kẽ nên bệnh viện hay bị kêu ca và bệnh nhân thì không hài lòng. Khi có tai biến xảy ra, bệnh nhân cứ nghĩ bác sĩ có lỗi và giấu giếm sai sót của mình vì họ có nghe nói gì đâu.
. Vậy cách nào để các bác sĩ phải giải thích thông tin bệnh tật cho bệnh nhân?
+ Khi có sai sót hoặc hậu quả xảy ra cho bệnh nhân, điều đầu tiên mà những người có trách nhiệm xem xét đến không phải là chuyên môn, kỹ thuật mà là quyền của bệnh nhân có bị xâm phạm hay không. Cụ thể, bệnh nhân có được giải thích đầy đủ, hiểu và đồng ý hay không. Sau đó họ mới xem xét tới chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Kế nữa là quá trình chăm sóc và điều trị.
Nghị định 96/2011 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh) có quy định xử phạt bác sĩ về việc không cung cấp thông tin bệnh tật cho bệnh nhân nhưng chỉ áp dụng cho các cơ sở y tế tư nhân. Còn đối với công chức, viên chức trong bệnh viện công thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, việc xác định hành vi vi phạm là rất khó bởi trong phòng khám chỉ có bác sĩ với bệnh nhân. Bệnh nhân nói bác sĩ không giải thích nhưng bác sĩ thì bảo có. Do vậy, người bệnh phải chứng minh được là bác sĩ không giải thích cho mình nhưng liệu họ có làm được không?
Được cung cấp bệnh án tóm tắt
. Cũng theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì bệnh nhân có quyền yêu cầu bệnh viện cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án. Đó là các thông tin gì?
+ Trong ngành y tế tồn tại hai bản tóm tắt về hồ sơ bệnh án. Một là tóm tắt thông tin tình hình bệnh tật về việc chẩn đoán, quá trình điều trị khi kết thúc, còn gọi là tóm tắt hành chính. Hai là bản tóm tắt theo quy chế bệnh viện nhằm mục đích phục vụ cho bệnh nhân chuyển viện, tự mang đến cơ sở khác chữa trị và có thể liên quan đến một công việc tư pháp khác. Ngoài bản tóm tắt bệnh án còn có thể kèm theo các tư liệu khác như phim ảnh, điện não đồ…
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì bệnh nhân được bệnh viện cung cấp bản tóm tắt hành chính để biết. Trường hợp sau khi điều trị tại một cơ sở y tế và cần đi cơ sở khác điều trị chuyên sâu hơn thì người bệnh có quyền yêu cầu bệnh viện cung cấp tóm tắt bệnh án chuyên môn.
. Xin cảm ơn ông.
Cung cấp hồ sơ bệnh án ở các nước Nhiều nước như Anh, Mỹ, Singapore, Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đều xác định rõ thông tin trong hồ sơ bệnh án là tài sản của bệnh nhân nhưng cơ sở điều trị có quyền giữ những thông tin đó để bảo vệ quyền riêng tư cho bệnh nhân và phục vụ các mục đích nghiên cứu, khảo sát y học. Bệnh nhân, luật sư đại diện bệnh nhân, người hay tổ chức được bệnh nhân ủy quyền có quyền làm văn bản yêu cầu cơ sở điều trị cung cấp bản sao hồ sơ bệnh án nếu cần. Nếu bệnh nhân thay đổi nơi điều trị có thể yêu cầu nơi điều trị cũ chuyển hồ sơ bệnh án của mình sang nơi điều trị mới. Luật các nước, chẳng hạn Luật Tiếp cận hồ sơ bệnh án ban hành năm 1988 của Anh quy định rõ các công ty nơi bệnh nhân làm việc, các công ty bảo hiểm hoặc các tổ chức nào đó nếu muốn được cung cấp hồ sơ bệnh án của bệnh nhân phải được sự đồng ý của bệnh nhân. Cơ sở điều trị phải để bệnh nhân xem qua hồ sơ bệnh án trước khi cung cấp cho bên thứ ba nếu bệnh nhân yêu cầu. Nguyên tắc chung là cơ sở điều trị phải cung cấp bản sao toàn bộ chi tiết hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân, bao gồm toàn bộ các văn bản, ghi chú, chẩn đoán, quá trình điều trị, tiên lượng bệnh, các kết quả xét nghiệm, toa thuốc, các hóa đơn viện phí... Ngoài văn bản yêu cầu, bệnh nhân phải trả một khoản phí cho cơ sở điều trị để được cung cấp hồ sơ bệnh án tùy theo từng nước. Cụ thể từ hơn 100 đến gần 500 đô Singapore/hồ sơ đối với Singapore, từ 45 đến 65 xu cho mỗi trang hồ sơ đối với Mỹ. Ở Mỹ, phí này sẽ được miễn nếu bệnh nhân cần hồ sơ bệnh án để đòi hỏi an sinh xã hội và cơ sở điều trị vẫn sẽ giao hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân khi bệnh nhân chứng minh được mình không có khả năng trả phí. Thông thường ở các nước, bệnh nhân sẽ nhận hồ sơ bệnh án trong vòng 30 ngày kể từ ngày yêu cầu. Riêng tại Dubai, tùy theo từng nội dung hồ sơ bệnh án mà bệnh nhân yêu cầu cung cấp (báo cáo hội chẩn, tiên lượng bệnh, các kết quả xét nghiệm…), thời gian cung cấp có thể dao động 2-10 ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu. Tuy nhiên, tùy trường hợp cơ sở điều trị có quyền từ chối cung cấp nếu nhận thấy việc này có thể gây bất lợi cho sức khỏe tâm thần và thể chất của bệnh nhân, có thể khiến bệnh nhân tự làm hại mình hoặc làm hại người khác. Trong trường hợp này, cơ sở điều trị phải có văn bản trả lời, giải thích rõ ràng cho bệnh nhân hiểu. ĐĂNG KHOA |
DUY TÍNH thực hiện