Mô hình phát triển đô thị ở TP.HCM đã lạc hậu

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tại hội thảo “Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025” tại Sở Xây dựng TP.HCM sáng 15-6.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NC

Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học có tâm huyết và hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về quá trình quản lý và phát triển đô thị ở TP.HCM và Việt Nam để có cơ sở hoàn chỉnh Báo cáo Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết, “Nếu coi TP.HCM làm hạt nhân của vùng đô thị, các tỉnh thành xung quanh là các đơn vị phụ thuộc, là phần “cơi nới” và các thành phố của các tỉnh như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tân An là thành phố vệ tinh có thể không còn phù hợp. Trong 10 năm trở lại đây FDI đổ vào khu vực này tăng nhanh và cao hơn TP.HCM, tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng nhanh hơn, trong khi TP.HCM có dấu hiệu bão hòa và chậm lại, một số lợi thế so sánh như ngang giá thuê đất, lao động tay nghề cao, cơ sở dịch vụ chất lượng cao, cơ sở đào tạo nhân lực bị cạnh tranh và có xu hướng giảm đi; lực lượng lao động nhập cư vào các tỉnh miền đồng (trừ TP.HCM) cao hơn vào TP.HCM…

Do vậy, trong chiến lược dài hạn cần coi các tỉnh, thành phía Bắc của thành phố là đơn vị hợp tác ngang bằng chứ không coi là đơn vị phụ thuộc, hay thứ cấp trong vùng đô thị rộng lớn. Do vậy các thành phố là trung tâm của các tỉnh chỉ có thể là thành phố chịu ảnh hưởng chứ không phải là thành phố vệ tinh theo đúng nghĩa và đúng định nghĩa khoa học…” PGS.TS Nguyễn Minh Hòa chia sẻ thêm.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp, định hướng chiến lược cho đô thị hóa trong giai đoạn sắp tới.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, các giải pháp định hướng chiến lược cho đô thị hóa và phát triển bền vững là: Đổi mới phương pháp quy hoạch phù hợp với cơ chế thị trường, theo hướng khai thác tốt nhất các nguồn lực phát triển của địa phương, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an toàn lương thực và an ninh quốc gia; quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm nhằm khai thác lợi thế phát triển các đô thị đặc biệt, các vùng giàu tiềm năng phát triển; Đổi mới chính sách đất đai và tài chính đô thị để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng;…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm