Ngày 9-11, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ phát triển Đức, Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổ chức hội nghị công bố báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2019. Tại đây cũng diễn ra đối thoại về các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN).
Lãi cao nhưng rủi ro lớn
Bà Minh Hồng (quận 2, TP.HCM), một nhà đầu tư trái phiếu DN, chia sẻ: Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang ở mức rất thấp. Ví dụ, kỳ hạn dưới sáu tháng lãi suất tiết kiệm chỉ dao động 3,1%-3,95%/năm; đối với kỳ hạn 6-36 tháng lãi suất cũng chỉ loanh quanh ở ngưỡng 4%-7%/năm.
Trong khi đó, nếu đầu tư vào trái phiếu DN được công ty chứng khoán hoặc ngân hàng bảo lãnh, mức lãi suất thấp nhất cũng 8%-9%/năm. Còn nếu chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư có thể đổ tiền vào trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm. Với loại sản phẩm này, trái chủ có thể nhận được mức lãi suất cao gấp hai đến ba lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
“Thú thực tôi biết trong trường hợp nếu xảy ra rủi ro, nhà đầu tư có thể mất cả chì lẫn chài. Nghĩa là đến ngày thanh toán nhưng đơn vị phát hành trái phiếu không thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc thì nhà đầu tư sẽ phải chịu, thậm chí mất sạch. Nhưng thử hỏi lãi suất tiền gửi ngân hàng rất thấp, trong khi lãi suất trái phiếu cao như vậy thì có ai mà không muốn đầu tư” - bà Hồng nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng khi đầu tư vào trái phiếu, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn thấy lãi suất cao là rót tiền vào. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính, nêu thực tế: Không ít nhà đầu tư cá nhân, trong đó có những người đã về hưu chuyển dịch khoản tiền tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu DN. Mặc dù đây là quyền lựa chọn bình thường của người dân trên thị trường tài chính nhưng nếu họ không có khả năng đánh giá rủi ro mà vẫn đổ tiền thì cần phải cân nhắc.
“Cụ thể, nhà đầu tư riêng lẻ khi đầu tư phải hết sức thận trọng. Đừng chỉ quan tâm đến lãi suất cao mà phải đánh giá tình hình tài chính của DN, đánh giá được mức độ rủi ro đối với trái phiếu mà mình đầu tư. Bởi nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư có thể bị mất tiền khi DN hoặc dự án đó gặp khó khăn” - ông Dương khuyến nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu thuộc VinaCapital, lưu ý: Dù là nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân thì lãi suất là một trong những tiêu chí quan trọng. Song đối với nhà đầu tư tổ chức, ngoài lãi suất họ còn quan tâm đến nhiều yếu tố khác như sức khỏe tài chính của DN; dòng tiền, sự ổn định về hoạt động kinh doanh của DN trong lâu dài. Trong khi một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất cao là rót tiền mua trái phiếu.
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, cảnh báo trên thị trường đã xuất hiện DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu. Họ huy động vốn bằng cách đẩy lãi suất lên cao và phát hành thành nhiều đợt với quy mô nhỏ lẻ.
“Rõ ràng đây là cách huy động vốn do việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng đang bị siết chặt hơn. Điều này vô hình trung khiến thị trường trái phiếu DN đối mặt với nhiều tiềm ẩn rủi ro” - ông Vũ cảnh báo.
Việc phát hành trái phiếu DN góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng
ngân hàng nhưng còn tiềm ẩn không ít rủi ro. Ảnh: TL
Siết chặt là cần thiết
Ông Nguyễn Hoàng Dương nhìn nhận thị trường trái phiếu DN thời gian qua có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các DN, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ rủi ro của thị trường này. Do đó, Bộ Tài chính khuyến nghị các DN khi phát hành trái phiếu phải tính toán để dự án và dòng tiền phù hợp với kế hoạch trả nợ gốc và lãi của trái phiếu. Qua đó giảm thiểu rủi ro đối với DN và nhà đầu tư.
Song song đó, các tổ chức tư vấn, phân phối trái phiếu mà chủ yếu là các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư. Từ đó giúp nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định chính xác, giảm thiểu rủi ro.
“Trong bối cảnh các DN có nhu cầu phát hành trái phiếu để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Có điều thị trường này còn bộc lộ một số vấn đề như: Thị trường thứ cấp chưa phát triển, thanh khoản của trái phiếu sau khi phát hành thấp, tính công khai, minh bạch còn hạn chế; tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa hoạt động và cung cấp dịch vụ; chưa có tổ chức định giá trái phiếu… Đây là những khiếm khuyết cần chấn chỉnh” - đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết: Nghị định 81/2020 về phát hành trái phiếu DN chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2020 đã giúp lành mạnh hóa việc phát hành trái phiếu DN, qua đó từng bước kiểm soát rủi ro thị trường. Nghị định này cũng yêu cầu bắt buộc nhà phát hành trái phiếu DN phải đảm bảo các tiêu chí về tính minh bạch thông tin khi muốn phát hành trái phiếu ra thị trường.
Bên cạnh đó, các quy định của nghị định này còn yêu cầu nhà đầu tư riêng lẻ phải đạt một số điều kiện nhất định thì mới được tham gia vào thị trường này. Do đó, cơ hội tiếp cận của nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với kênh đầu tư trái phiếu DN chắc chắn bị giảm đi. Tuy nhiên, đây là bước đi cần thiết để giúp thị trường hoạt động chuyên nghiệp hơn.
“Thực ra nghị định cũng mở ra cơ hội cho các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Bởi nó sẽ giúp họ thu hút được một lượng lớn khách hàng không thể trực tiếp tiếp cận được thị trường trái phiếu DN thì có thể chuyển sang đầu tư, mua chứng chỉ quỹ” - bà Thu phân tích.
Giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân Luật DN (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2021, quy định các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ không được tham gia trên “phiên chợ” trái phiếu DN phát hành riêng lẻ. Với quy định này xem như nhà đầu tư cá nhân hết cửa mua trái phiếu DN lẻ. Song suy cho cùng đây cũng là cách để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khỏi nguy cơ rủi ro mất vốn. |
(PLO)- Nhà đầu tư cá nhân đừng vì ham lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao ngất ngưởng mà đầu tư khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải.