Mở rộng tuyển thẳng vào ĐHQG TP.HCM

Đề án tuyển sinh năm 2015 của ĐHQG TP.HCM vừa công bố đã thu hút nhiều sự quan tâm của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng đề án có nhiều điểm mới chưa được giải thích rõ như đối tượng tuyển thẳng thuộc năm trường THPT xuất sắc; viết bài luận khi tham gia xét tuyển như thế nào; năng lực tư duy và năng lực hoạt động xã hội như thế nào…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐHQG TP.HCM, cho biết: Quá trình tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM gồm hai hợp phần: đánh giá năng lực và xét tuyển. Trong đó phần đánh giá năng lực gồm đánh giá năng lực tư duy và năng lực hoạt động xã hội. Phần xét tuyển với các tiêu chí gồm kết quả học tập ở THPT, điểm thi tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia và các đối tượng ưu tiên.

Tuần này công bố năm trường THPT xuất sắc

Điểm mới của ĐHQG TP.HCM trong kỳ tuyển sinh năm 2015 là mở rộng thêm các đối tượng tuyển thẳng. Theo ông Chính, điều kiện tiên quyết để xét tuyển thẳng là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Các điều kiện khác theo thứ tự ưu tiên gồm: thành viên đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi quốc tế; đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; học sinh có kết quả học tập giỏi, hạnh kiểm tốt thuộc năm trường THPT xuất sắc. Học sinh thuộc năm trường phải làm bài luận nêu lý do xin xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM và định hướng phát triển của bản thân, đồng thời có thư giới thiệu của giáo viên THPT. Chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi ngành/nhóm ngành bằng 5% chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của ngành/nhóm ngành đó. Từ năm 2016, căn cứ kết quả điểm của kỳ thi THPT quốc gia sẽ xem xét mở rộng xét tuyển thẳng đến học sinh của 10 trường THPT đứng đầu cả nước.

Năm 2015, thí sinh thi cụm do trường ĐH tổ chức mới được xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Về việc xác định thế nào là năm trường THPT xuất sắc, ông Chính giải thích: “Dựa trên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, tính trên điểm thi trung bình của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 để chọn ra năm trường THPT có nhiều thí sinh đạt điểm trung bình cao nhất tính từ trên xuống”. “Dự kiến trong tuần này khi đã gút xong phương án tuyển thẳng, ĐHQG TP.HCM sẽ công bố danh sách năm trường THPT có thí sinh nằm trong diện tuyển thẳng để thí sinh biết và có thời gian chuẩn bị” - TS Chính nói.

Bài luận không khống chế độ dài

Ngoài tiêu chí học lực, ĐHQG TP.HCM cũng yêu cầu học sinh tuyển thẳng thuộc năm trường THPT xuất sắc làm bài luận, kèm theo thư giới thiệu của giáo viên THPT. Về các tiêu chí mới mẻ này, TS Chính thông tin: Đối với bài luận các em cần thể hiện được nguyện vọng, lý do vì sao vào học ĐHQG TP.HCM và định hướng phát triển của bản thân. “Về bài luận chúng tôi chỉ đưa ra chủ đề để các em tự thể hiện, còn độ dài không khống chế để các em trình bày trọn vẹn nguyện vọng, lý giải vì sao vào học ở ĐHQG TP.HCM” - TS Chính giải thích.

Đối với thư giới thiệu của giáo viên, theo TS Chính, đây là hình thức phổ biến ở các nước nhưng tại Việt Nam còn hạn chế. Theo đó, thư giới thiệu của giáo viên phải xác nhận học sinh A có đặc điểm gì nổi bật về học lực, đạo đức, ý thức và những hoạt động xã hội, đoàn, đội mà các em đã tham gia.

Chưa đánh giá năng lực tư duy

Một điểm mới khác trong đề án tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM là đánh giá năng lực tư duynăng lực tham gia các hoạt động xã hội của thí sinh. Về năng lực tư duy, TS Chính cho biết cụ thể đó là việc đánh giá những kỹ năng suy luận, tư duy giải quyết nhanh vấn đề. Theo đó, nhà trường sẽ đưa ra tình huống cụ thể yêu cầu thí sinh xử lý, qua đó đánh giá khả năng tư duy của thí sinh. Với tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động xã hội, trường sẽ yêu cầu thí sinh nộp các giấy chứng nhận đã tham gia các hoạt động xã hội, mùa hè xanh… Tuy nhiên, cả hai tiêu chí này chưa áp dụng trong năm 2015. “Các tiêu chí này đều rất mới với học sinh nên chúng tôi cũng xác định phải có thời gian để học sinh chuẩn bị và làm quen. Trong ba năm tới, trường sẽ từng bước thử nghiệm kết hợp tuyên truyền đến thí sinh” - ông Chính chia sẻ.

Về các khối thi, trường vẫn giữ nguyên như các năm trước. Bên cạnh đó, bổ sung thêm bốn tổ hợp môn thi mới là toán-hóa-ngoại ngữ và toán-hóa-văn cho nhóm ngành liên quan đến hóa học; toán-sinh-văn và toán-sinh-ngoại ngữ cho nhóm ngành liên quan đến sức khỏe.

Chỉ tuyển thí sinh thi cụm do trường ĐH chủ trì

ĐHQG TP.HCM chỉ xét tuyển các thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức thi. Thí sinh phải có hạnh kiểm THPT đạt từ loại khá trở lên; các điểm trung bình năm học lớp 10, lớp 11 và điểm trung bình học kì I của lớp 12 đều từ 6,5 trở lên.

ĐHQG TP.HCM sẽ nhận hồ sơ và xét tuyển theo nhiều đợt, tính từ thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia đến ngày 15-8. Dự kiến đợt 1 nhận hồ sơ từ một tuần sau khi bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia đến hai tuần sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả xét tuyển sẽ được công bố hai tuần sau khi có kết quả thi. Ngoài ra các đợt xét tuyển bổ sung theo kế hoạch cụ thể do hội đồng tuyển sinh các trường thành viên thông báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm