Mong những bức ảnh của mình có ích cho đời

* Phóng viên: Người xem luôn bắt gặp hình ảnh những người lao động nghèo, trẻ em vào đời sớm qua nhiều góc máy tinh tế của Trần Thế Phong. “Gánh” cũng được đánh giá đã tạo “độ rung” cho công chúng thưởng thức. Từ ý tưởng đến trưng bày 108 bức ảnh lần này được anh thực hiện như thế nào?

Mong những bức ảnh của mình có ích cho đời ảnh 1


 * Nhà nhiếp ảnh TRẦN THẾ PHONG: Lúc mới vào nghề, tôi đã chụp nhiều hình ảnh những người mẹ buôn bán tảo tần, những gánh hàng rong ngồ ngộ, những em bé gái gánh nước ở vùng khô hạn… Đó là những bức ảnh chụp có tính ngẫu nhiên. Mãi đến hai năm gần đây, tôi mới tập trung chú ý và suy nghĩ nhiều về những hình ảnh “gánh” quen thuộc trong cuộc sống đời thường dường như đã ăn sâu vào tâm trí người Việt Nam.

Sức hút của đề tài “Gánh” lôi cuốn đến không ngờ, tôi đã bỏ thời gian hàng tháng trời rong ruổi cho những chuyến đi “săn ảnh” trên nhiều vùng, từ phố, chợ đến vùng sâu, vùng xa của thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Phan Rang, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, Sapa… Thú thật, phải chọn ra trong số hàng ngàn bức ảnh, chụp hàng trăm con người, mới giúp tôi có được bộ sưu tập ảnh này…

* Suy nghĩ của anh khi nhìn lại công trình của mình?

* Có lúc tôi muốn run lên vì cảm xúc từ những bức ảnh mình “chộp” trong những khoảnh khắc nào đó (có thể nói dí dỏm một chút là “khoảnh khắc vàng”). Chẳng hạn, tôi rất thích bức ảnh người phụ nữ bên quang gánh, ngồi thu mình trong tấm nylon mong manh, đầu hơi cúi xuống, nấp sau vành nón lá để tránh từng hạt mưa đêm rơi vào mặt. Tôi bấm liền hai ảnh trước khi chị ấy kịp phản ứng, ngẩng đầu lên!

Còn nữa, bức bà mẹ quê với gánh trầu Bà Điểm ở Sài Gòn, làm người ta cảm giác như có ai đó đang cố níu kéo dòng thời gian đang trôi; hoặc rất xúc động khi xem bức mẹ già với những nếp nhăn “lo bảy, lo ba” bên gánh tàu hũ ở phố cổ Hội An hay bức cận cảnh đòn gánh oằn vai người mẹ buổi chợ chiều nhưng ánh mắt đầy yêu thương, tự hào đã nuôi con thi đậu vào đại học v.v… Những hình ảnh người mẹ, người chị tất tả với gánh rau, gánh khoai, gánh chè giữa chợ đời, cứ làm tôi khắc khoải!

Mong những bức ảnh của mình có ích cho đời ảnh 2 
Tác phẩm “Phương Cựu (Nha Trang) chiều về”.  

Trần Thế Phong, sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Anh là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh TPHCM, đã đoạt nhiều giải thưởng lớn: Bão Chanchu, giải I Báo chí TPHCM, giải xuất sắc quốc gia Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, giải báo chí quốc gia Hội Nhà báo Việt Nam; Mưu sinh, giải Báo chí TPHCM, Huy chương v àng Asahi Shimbun, Nhật; Thích thú, Hồn nhiên, HCV Hasselblad, Áo… Các cuộc triển lãm ảnh cá nhân: Bão Chanchu, tháng 5 năm 2006; Những nẻo đường tuổi thơ, tháng 6 năm 2008; Nghệ sĩ đường phố, tháng 9-2010…

* Một số ý kiến nhận xét “Gánh” bộc lộ nét văn hóa Việt, phảng phất bóng dáng người phụ nữ Việt chịu thương, chịu khó (ở TPHCM từng có một triển lãm ảnh khác về gánh hàng rong), ý kiến anh như thế nào dưới góc độ người sáng tác?

* Vâng, trước đây tôi cũng có chút suy nghĩ về “Gánh” khi soi rọi qua các loại hình nghệ thuật khác. Tôi nghĩ đề tài “Gánh” thật độc đáo và hình ảnh “Gánh” rất phong phú trong văn chương, nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Du nhắc đến gánh trong “Văn chiêu hồn”: Lại có kẻ đi về buôn bán; Đòn gánh tre chèn dắn đôi vai; rồi, câu ca dao quen thuộc liên quan đến gánh: Con cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non; trong tiểu thuyết có tác phẩm Gánh hàng hoa; sân khấu, cải lương có Gánh nước đêm trăng, Gánh cỏ sông Hàn; phim tài liệu có Một đời quang gánh…

Tất nhiên, còn rất nhiều bức ảnh, bức tranh, tượng điêu khắc về hình ảnh gánh lúa, gánh sen trong khung cảnh thanh bình; gánh gạo, gánh đạn trong thời chiến tranh; gánh cá, gánh muối, gánh đá, gánh gạch rất nhọc nhằn trong cuộc sống lao động hiện tại v.v… Nhưng, so sánh, tôi cảm nhận được những bức ảnh của mình cũng khác với nhiều hình ảnh đã được văn chương, nghệ thuật mô tả. Hình ảnh đôi quang gánh oằn trên vai người mẹ với chiếc nón lá, đôi dép mòn đi trong nắng, trong mưa, xét về mặt nào đó đã là nét đặc trưng trong văn hóa qua những đường quê, đường phố Việt Nam…

* Đó cũng là quan niệm về cái đẹp thể hiện qua nghệ thuật nhiếp ảnh của anh?

* Tôi quan niệm: cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở cuộc sống xã hội đương đại. Chính vì vậy tôi chụp những bức ảnh nghệ thuật đậm tính báo chí hơn là những bức ảnh nghệ thuật thiên về trừu tượng. Những người lao động nghèo, cuộc sống của họ thật thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai quan tâm nhưng nó có nét đẹp riêng khi… lên ảnh.

* Là người đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong, ngoài nước; được biết, phần lớn tiền giải thưởng anh luôn dành cho hoạt động từ thiện; trong khi…

* Dạ vâng, trong khi tôi cũng là một nghệ sĩ còn lang thang, không có nhà ở! Tôi sinh ra và lớn lên từ cuộc sống của một trẻ em đường phố. Lên 6 tuổi, tôi đã tự mưu sinh từ công việc bán báo, bán vé số, bán kem… Những trải nghiệm trong cuộc sống đường phố đã giúp tôi có cái nhìn đồng cảm sâu xa với những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đã vươn lên bằng sự lao động chân chính. Chính vì vậy, tôi chỉ mong những bức ảnh của mình mang lại điều gì đó có ích cho đời.

Qua mỗi một cuộc triển lãm ảnh, tôi rất cảm ơn các nhà mạnh thường quân đã dành cho sự hỗ trợ lớn. Bởi, thật hữu ích khi từ những bức ảnh nghệ thuật của mình đã mang lại những xuất học bổng cho trẻ em nghèo, hiếu học, mang lại chút ấm áp cho các cụ già ở nhà dưỡng lão…

Theo KIM ỬNG (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm