Một huyền thoại SBC đã ra đi

Trời Sài Gòn đổ mưa nặng hạt nhưng rất đông bạn bè, đồng nghiệp đến căn nhà số 9 Tân Thọ, quận Tân Bình (TP.HCM) để chia buồn với gia đình Đại úy Võ Tấn Thành và ôn lại kỷ niệm một thời được làm chung với người anh, người đồng nghiệp đầy nhiệt huyết với nghề... Đại úy Hai Thành từ trần lúc 16 giờ 45 ngày 23-11 sau một thời gian dài mắc bệnh ung thư, hưởng thọ 79 tuổi.

Lấy công an thì phải chịu vậy thôi…

Có mặt tại tang lễ, ông Phan Thành Bút (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Tân Phú) chia sẻ: “Đại úy Hai Thành là người tuyệt vời lắm, đúng là một đảng viên Cộng sản. Hồi đó tôi mới hơn 30 tuổi thôi, là công an một phường của quận Tân Bình, làm việc với anh ấy tôi rất thích vì được nghe anh phân tích cái đúng, cái sai trong nghề. Đặc biệt anh rất thương bà con xóm giềng. Khi anh về hưu, thỉnh thoảng gặp anh vẫn dặn tôi phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ”.

Vừa lo tổ chức đám ma cho chồng, bà Nguyễn Thị Quý, vợ Đại úy Hai Thành, không giấu vẻ tự hào khi nhắc về người chồng đã hơn 50 năm gắn bó, có bốn mặt con với bà. Bà Quý kể trước khi chồng qua đời vài ngày, bà cùng ông thức trắng một đêm để ôn lại chuyện xưa từ lúc mới quen nhau cho tới hôm nay. Bà bảo chồng là trinh sát, hay đi phá án, có khi cả tháng mới về nhà một lần, để một mình bà ở nhà, nhiều lúc rất lo lắng cho ông. Mỗi lần chồng đi công tác là một lần bà lo. Bà thường hay dặn: “Ông đi đâu thì cũng phải ráng về nhà sớm”. Bà thường dặn ông như thế. Có những lần vừa đi công tác xa về, mới ngả lưng nằm chưa kịp chợp mắt ông cũng phải dậy đi làm nhiệm vụ dù đêm hôm khuya khoắt. “Năm 1987, lúc đó chưa có điện thoại đầy đủ như bây giờ, một hôm nghe tin ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, tôi lật đật bỏ cả con cho ông bà ngoại để đi tìm chồng” - bà kể. Biết vợ hay lo lắng, có lần ông an ủi bà: “Do đặc thù nghề nghiệp mà. Bà lấy công an phải chịu thôi, đừng có buồn hay ghen nhé”.

Một huyền thoại SBC đã ra đi ảnh 1

Con gái Đại úy Hai Thành nâng niu những tư liệu về cha. Ảnh: NN

Ba là tấm gương sáng cho con

Con gái út của Đại úy Hai Thành vừa từ Úc về, lật lại một xấp tư liệu của cha. Chạm tay lên những bức ảnh đen trắng ghi lại những lần cha đi phá án, chị nói: “Ba tôi lúc nào cũng lo cho các con. Ba không có cuộc sống giàu sang nhưng ba là tấm gương sáng, một đời trong sạch để cho các con và các cháu noi theo”. Thế rồi chị nghẹn lời: “Có một điều tiếc là tôi muốn trở thành một người thành đạt, để xem như một món quà tặng ba. Nhưng giờ thì ba đã đi rồi...”. Xếp lại những cuốn sách, bài báo viết về cha, chị bảo gia đình sẽ tiếp tục thay cha giữ gìn cẩn thận để kể lại cho con cháu sau này nghe về người ông đáng kính.

Bà Quý kể lúc còn sống chồng bà bôn ba khắp nơi để mang lại cuộc sống bình yên cho dân lành. Trước khi mất, tâm niệm của ông là được về với quê mẹ ở Bến Tre, được yên nghỉ trên mảnh đất của họ tộc.

Cách đây một năm, Đại úy Hai Thành phát hiện mình bị ung thư bạch cầu. Điều trị ở BV Thống Nhất được một thời gian thì người con gái út đang sống ở Úc đón ông sang chữa bệnh. Biết bệnh tình của mình khó qua khỏi, ông đòi về Việt Nam để sống những ngày cuối đời. “Ba muốn về gặp đồng chí, đồng đội, người thân của mình...”.

Lễ động quan được tổ chức lúc 7 giờ ngày 28-11. Sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre.

NGÂN NGA

Đại úy Hai Thành tên thật Võ Tấn Thành, sinh năm 1936, quê Bình Đại (Bến Tre), nguyên Đội trưởng Đội SBC (săn bắt cướp) đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM.

Năm 14 tuổi, ông Hai Thành vào du kích, bốn năm sau là bộ đội thuộc đơn vị huyền thoại Tiểu đoàn 307. Năm 1960, sau sáu năm trưởng thành trong quân đội ông được kết nạp Đảng và được cử vào học Trường Công an Trung ương, lớp điện báo cấp tốc để chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1975, ông được cử làm phó đoàn công tác đặc biệt gồm gần một trăm cán bộ, chiến sĩ vào Nam. Chiều 30-4-1975, ông là một trong những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên tiếp quản Nha cảnh sát Đô thành tại trại giam Chí Hòa (TP.HCM). Hai ngày sau ông được cử giữ chức đội trưởng Đội Chấp pháp đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự. Sau này trước khi được phân công làm chánh án TAND quận Tân Bình, ông giữ chức đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Tân Bình với rất nhiều chiến công xuất sắc.

Một huyền thoại SBC đã ra đi ảnh 2

Đại úy Võ Tấn Thành (phải) trong buổi lễ khen thưởng thành tích Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong quá trình công tác, tên tuổi Đại úy Hai Thành gắn liền với việc phá thành công nhiều vụ án nổi tiếng như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, vụ bắt cóc con BS Lã Hỷ, vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng. Ông cùng đồng đội triệt phá nhiều băng cướp khét tiếng như băng Võ Tùng Hội, Phú “sa lem”, băng cướp Bông Hồng Trắng, tướng cướp Điền Khắc Kim…

Những thành tích trấn áp các băng nhóm tội phạm khét tiếng của Đại úy Hai Thành và đồng đội đã lập lại trật tự, an ninh cho TP.HCM những năm đầu sau giải phóng. Đồng thời với tấm lòng nhân ái khoan dung, Đại úy Hai Thành đã cảm hóa, giáo dục nhiều tội phạm, tướng cướp hoàn lương. Thành tích mang tính huyền thoại của ông đã được viết thành sách Đại úy Hai Thành và những “người tình”…

HOÀNG MAI

Bác Đỗ Mười trong lòng dân Đông Mỹ

Bác Đỗ Mười trong lòng dân Đông Mỹ

(PL)- Với người dân xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - quê hương của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, bác Đỗ Mười là một người rất giản dị và thân tình.
4 nguyên nhân gây thảm họa Indonesia

4 nguyên nhân gây thảm họa Indonesia

(PL)- Ngoài việc chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần sớm thì địa hình trũng, tốc độ sóng thần khủng khiếp và lở đất ngầm đã góp phần làm tăng thảm họa Indonesia.
Chuyện Khải Đơn bỏ việc, phiêu bạt sông Mekong

Chuyện Khải Đơn bỏ việc, phiêu bạt sông Mekong

(PL)- Ở những nơi đã đi qua, Khải Đơn đều cố gắng tìm đến những ngóc ngách ẩn mật, khám phá đời sống được ẩn giấu bên ngoài vẻ hào nhoáng của nó, những lát cắt ngang dọc thân phận con người.