Một tháng giảm tải: Giáo viên... nặng tải!

Qua một tháng triển khai việc giảm tải chương trình từ bậc tiểu học đến THPT, phần lớn giáo viên cho rằng giảm tải là phù hợp, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỗ dư, thiếu đòi hỏi tính linh động, bản lĩnh của người đứng lớp. Có giáo viên nhận xét việc giảm tải bắt đầu quay trở lại với thời kỳ chuẩn bị thay SGK, mỗi năm mỗi giảm cho đến khi thay SGK mới!

Giảm tải vụn vặt, chắp vá

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng Bộ thực hiện việc giảm tải tập trung vào năm tiêu chí: giảm những chỗ trùng lặp ở môn này, môn kia; giảm những nội dung trùng lặp ở lớp dưới và lớp trên; điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương; bỏ bớt đi những bài tập khó, những bài tập đòi hỏi sự suy luận cao gây khó khăn cho học sinh; sắp xếp lại các bài học cho hợp lý. Tuy nhiên, khi áp dụng cho từng môn ở từng lớp học thì số lượng cắt giảm không nhiều. Điều này cho thấy việc giảm tải của Bộ không có hệ thống, không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Do đó việc giảm tải hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của dư luận là chương trình quá nặng. Trong khi thực tế chương trình không nặng mà nặng là do thời lượng không đủ để tải chương trình. “Ví dụ môn toán chương trình tương đương thậm chí nhẹ hơn với nước ngoài nhưng chúng ta chỉ học 3-4 tiết/tuần, trong khi nước ngoài học nhiều tiết hơn. Nặng nằm ở chỗ này. Với trường của tôi, bố trí cho học toán sáu tiết/tuần thì học không có gì nặng cả, dạy rất đơn giản, nhẹ nhàng” - PGS Cương nói.

Một tháng giảm tải: Giáo viên... nặng tải! ảnh 1

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương đang ôn tập môn sử kỳ thi THPT 2011. Ảnh: QV

Phải soạn tài liệu riêng cho thi cử

Cô Trần Thị Phụng, tổ trưởng bộ môn hóa Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho rằng: Thực ra trước khi giảm tải, giáo viên cũng đã biết một số bài mà Bộ ít “đụng tới” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH nên ít tập trung, dành thời gian cho các bài khác, liên quan đến thi cử. “Chúng tôi thừa biết kiến thức cơ bản có liên hoàn với nhau ở các lớp học, dù Bộ có cắt chúng tôi vẫn phải dạy để các em thi. Ví dụ như chương Điện ly không nằm trong chương trình hóa THPT ban cơ bản nhưng đề thi tuyển sinh ĐH có đề cập nên giáo viên phải dành thời gian dạy cho các em” - cô Phụng nói.

Bà Hồ Thị Cam Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, khẳng định: “Giảm tải nhưng phải đảm bảo quyền lợi thi cử cho học sinh. Đây là năm đầu tiên thực hiện giảm tải, cũng chưa biết rõ cụ thể đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH Bộ sẽ ra như thế nào nên giáo viên bộ môn vẫn phải soạn tài liệu riêng cho trường (lưu hành nội bộ) để đảm bảo đủ kiến thức cho các em thi”.

Theo PGS Văn Như Cương, nhiều giáo viên phát hiện có những bài mà Bộ cắt bỏ nhưng những bài sau lại có kiến thức liên quan đến phần đã cắt. Giáo viên nếu máy móc thì phớt lờ hoặc dạy qua loa, còn nếu quan tâm thì phải dạy lại cho học sinh. “Trường tôi có nhiều giờ nên tôi nói với giáo viên: Nếu các thầy thấy giảm tải là hợp lý thì thực hiện, còn không hợp lý thì dạy để học sinh hiểu sâu. Bởi lẽ, lo lắng nhất là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, những chỗ giảm tải này phải dạy để học sinh nắm kiến thức, vì liệu Bộ có thật sự không ra đề trúng phần này không” - PGS Cương nói.

Giảm tải cũng cần có phản biện và mục tiêu

Trước đây SGK là do một người, nhóm người viết bao thầu từ lớp dưới lên lớp trên, chương trình mới là không phải theo ý chí chủ quan của một người, nhóm người nào đó mà phải có hội đồng chuyên môn, xây dựng và phản biện. Bộ GD&ĐT đang thực hiện giảm tải nhưng chưa có mục tiêu rõ ràng. Bộ cần quy định kiến thức cơ bản từng bài cho học sinh phổ thông, nắm được kiến thức cơ bản từng bài học, lớp học, lúc đó học sinh sẽ mở rộng, phát huy thêm theo hướng dẫn của giáo viên.

Ông NGUYỄN HỮU DANH,nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM

Kiến nghị cấu trúc lại chương trình

Là người trực tiếp đứng lớp, tôi thấy với môn văn, kiến thức đưa vào nhà trường hiện có hai loại: kiến thức đã ổn định và kiến thức đang vận động. Kiến thức đã ổn định là những kiến thức đã lùi sâu vào quá khứ, khá ổn định về giá trị. Kiến thức đang vận động là kiến thức đồng hành với học sinh, là những gì tươi rói và đầy sức sống nhưng thước đo các kiến thức đó luôn thay đổi. Cấu trúc chương trình hiện tại là chưa phù hợp vì có quá nhiều kiến thức văn học đương đại và thi cử thì chủ yếu ra đề vào phần kiến thức này.

Theo tôi, học trò cần học những tác phẩm văn học dân gian, văn học trung đại nhiều hơn - đó chính là kiến thức đã ổn định. Học sinh Việt không thể không biết đến Tấm Cám, Thánh Gióng, đến Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…Tất nhiên, đó là những kiến thức cơ bản, còn muốn các em nắm sâu rễ bền gốc vốn văn hóa của dân tộc, đồng thời hít thở không khí của thời đại thì các em phải được học liều lượng ít hơn về văn học đương đại.

Điều chỉnh một vài nội dung thì không quan trọng mà phải cấu trúc lại chương trình mới thực sự “giảm tải” cho học sinh.

Thầy NGUYỄN QUANG TRUNG, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Chuyên ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Giảm 30% chương trình mới gọi là giảm tải

Có hai cách để giảm tải. Một là tăng thời lượng lên, chẳng hạn môn toán thay vì học ba tiết/tuần thì học sáu tiết/tuần, vì các nước còn học tám tiết/tuần. Hai là nếu không tăng tiết được vì nhiều trường không thể học hai buổi/ngày thì phải cắt bớt chương trình chứ không thể cắt vụn vặt kiểu bài tập này có ba câu thì bỏ đi một câu, rồi bài kia chuyển thành đọc thêm… Cái này không gọi là giảm tải. Theo ý tôi, chương trình hiện nay giảm 30% thì học sinh mới đỡ khổ.

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG

Q.VIỆT - B.PHƯỢNG - Q.DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm