Một tháng trước SEA Games 27: Rối từ thầy đến thợ

Trong danh sách LĐBĐ Singapore (FAS) đang giữ có những tên tuổi nổi tiếng như Steve McMahon (cựu đội trưởng Liverpool), David Booth (cựu HLV trưởng tuyển Myanmar, Lào), Richard Bok, Bojan Hodak… Thế nhưng FAS đang đứng vào thế “người thương chẳng đến mà người đến thì chẳng thương”.

HLV trưởng tạm quyền của U-23 Singapore hiện nay Aide Iskandar đang nằng nặc đòi trở lại đội U-19 của mình để xây dựng lứa cầu thủ ưu tú cho SEA Games 28 mà Singapore là chủ nhà. Trong khi đó, huyền thoại bóng đá Singapore Fandi Ahmad thì dửng dưng với chiếc ghế U-23 quốc gia.

Trước đó, khi HLV Sundrumoorthy từ chức, FAS có ý định đưa HLV đội tuyển quốc gia Bernd Stange (người Đức) “ôm” cả đội U-23 dự SEA Games 27. Thế nhưng HLV người Đức cương quyết không nhận việc “vừa xay lúa vừa bế em” mà chỉ làm phần đội tuyển quốc gia thôi.

Một tháng trước SEA Games 27: Rối từ thầy đến thợ ảnh 1

U-23 Singapore hiện như rắn mất đầu dù đây là thành phần được tuyển chọn thi đấu chung từ tuổi 16. Ảnh: CTV

Mọi chuyện bắt đầu từ khi U-23 Singapore đoạt chức vô địch giải chuyên nghiệp Malaysia mà U-23 Singapore tham dự như một CLB. Sau đó đội được khán giả nhà kỳ vọng và thậm chí là muốn vô địch cả SEA Games 27. Tuy nhiên, sau đó đội tiếp tục tham dự Merdeka Cup 2013 (gồm bốn đội U-23 chủ nhà Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Singapore). Tuy nhiên, kết quả U-23 Singapore đứng chót giải và vài ngày sau thì nhà cầm quân Sundrumoorthy từ chức dù hợp đồng của ông với FAS đến ngày 31-12-2013 mới đáo hạn.

HLV Sundrumoorthy người thầy dẫn dắt đội U-23 Singapore này từ năm các cầu thủ còn 16, 17 tuổi và thường sang Việt Nam dự giải U-21 quốc tế đã “chịu không nổi” áp lực lớn và kỳ vọng quá cao của đảo quốc sư tử.

Thực chất, thành phần U-23 Singapore hiện nay cũng rất nhiều gương mặt sáng giá, trong đó có bốn tuyển thủ từng vô địch AFF Cup 2012. Tuy nhiên, những lục đục trong nội bộ và căn bệnh thành tích khiến HLV trưởng rút lui đột ngột và HLV tạm quyền cũng xin thôi đang làm bóng đá Singapore sôi lên vì một tháng trước ngày bóng lăn vẫn còn tìm thầy.

Thế thì làm sao “thợ” có thể yên tâm cùng mục tiêu mà người hâm mộ đặt ra là có thành tích cao hoặc vô địch SEA Games 27?

Chuẩn bị SEA Games 27, đội nào cọ xát nhiều nhất?

1. U-23 Malaysia, chuyến tập huấn tại châu Âu năm tháng, đội đá 22 trận với các CLB, các đội tuyển trẻ quốc gia, dự giải Sinh viên thế giới. Về nước dự giải Merdeka 2013 và vô địch. Sau đó tiếp tục dự giải Menpora (Indonesia). Đầu tháng 11 dự BIDC Cup tại Campuchia.

2. U-23 Singapore đá giải vô địch Malaysia với 24 lượt trận và vô địch. Sau đó đá giao hữu với các đội U-23 Indonesia, Philippines, Myanmar, đá Merdeka Cup.

3. U-23 Indonesia, hầu hết các cầu thủ thuộc CLB tham dự giải ngoại hạng. Sau đó đội dự Đại hội thể thao khối Hồi giáo và đoạt ngôi á quân. Sẽ đá tập huấn với tuyển Philippines, U-23 Singapore…

4. U-23 Myanmar từng sang Việt Nam đá giao hữu với Đồng Nai, U-23 Việt Nam, dự giải mời ở Thái Lan, giao hữu lượt về với U-23 Việt Nam, sắp tới sẽ tham dự BIDC tại Campuchia…

5. U-23 Việt Nam có hai trận giao hữu với Trẻ Santos, Trẻ Galatasaray, giao hữu lượt đi và về với U-23 Myanmar, sang Hungary tập huấn đá bốn trận, ba trận thắng đậm, một trận hòa. Về nước dự giải BTV Cup. Chưa có kế hoạch cọ xát tiếp.

DUY ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm