Mua đấu giá đất rồi đành bỏ hoang

Ông Nguyễn Văn Chính (quận 5, TP.HCM) phản ánh: Đầu năm 2011, khi biết Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương bán đấu giá lô đất hơn 10.000 m2 tại xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, ông đăng ký mua và đã trúng đấu giá với giá hơn 3 tỉ đồng. Tháng 4-2011, ông nộp đủ tiền và được Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh giao đất. Tháng 7-2011, ông nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận nhưng gần hai năm trôi qua vẫn chưa có kết quả.

Trước kia, lô đất này là đất hoa màu của một cá nhân đã có giấy đỏ. Sau đó, một công ty (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) đã bồi thường hơn 4 tỉ đồng cho chủ đất và được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất giao cho công ty thuê. Năm 2007, công ty được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận với mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời hạn sử dụng đến năm 2056. Tiếp đó công ty thế chấp giấy chứng nhận cho ngân hàng nhưng không trả được nợ nên bị TAND tỉnh xử buộc trả nợ. Cục THA dân sự tỉnh đã kê biên, phát mại và sau cùng là trung tâm đã bán đấu giá đất trên cho ông Chính.

Mua đấu giá đất rồi đành bỏ hoang ảnh 1

Khu đất trúng đấu giá của ông Chính bỏ hoang gần hai năm nay vì chưa được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: KP

Viện dẫn khoản 2 Điều 99 Nghị định 181/2004 của Chính phủ có quy định “Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn sử dụng đất”, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện đã xin ý kiến của Sở TN&MT tỉnh về thủ tục cấp giấy chứng nhận cho ông Chính. Bởi lẽ họ chưa rõ “ông Chính là cá nhân thì có được nhận quyền sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh hay không”. Sở này lại tiếp tục hỏi Tổng cục Quản lý Đất đai cũng với lý do này nhưng Tổng cục chưa trả lời.

Ông Chính bức xúc: “Lẽ ra ngay từ đầu khi rao bán tài sản thì địa phương nên xác định đối tượng mua, đằng này bán rồi mới đi hỏi. Cách xử lý thiếu chuyên nghiệp của họ khiến tôi bị chôn vốn khá lâu trong miếng đất”.

Chờ cấp trên chỉ đạo

PV đã trao đổi với ông Huỳnh Công Du, Trưởng phòng TN&MT huyện Bến Cát (Bình Dương), để làm rõ một số nội dung liên quan.

. Thưa ông, vì sao Phòng TN&MT không đề xuất với UBND huyện cấp giấy chứng nhận đất cho ông Chính trong khi theo Nghị định 181/2004 thì ông Chính không thuộc trường hợp không được cấp giấy chứng nhận?

+ Chúng tôi đã đề xuất UBND huyện cấp giấy chứng nhận cho nhiều trường hợp mua nhà, đất thông qua đấu giá. Thế nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận hồ sơ cấp giấy dạng đặc biệt nên bị lúng túng. Lâu nay, chỉ có công ty mới nhận chuyển nhượng đất của nhiều cá nhân để chuyển mục đích làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Còn ở đây là cá nhân ông Chính nhận chuyển nhượng đất của công ty mà đất này đã được xác định mục đích là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy ông Chính không thuộc trường hợp không được cấp giấy chứng nhận nhưng luật cũng không có quy định cụ thể về việc cấp giấy cho những trường hợp như ông. Nội bộ chúng tôi cũng đã thảo luận rất nhiều lần để tìm hướng giải quyết cho ông nhưng chưa ra.

. Nếu cho rằng người mua phải sử dụng đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn sử dụng đất thì ông thấy có hợp lý không? Bởi lẽ trên thực tế ông Chính vẫn chưa được cấp giấy nên ông chưa thể đưa đất vào sử dụng và như thế làm sao biết được ông có sử dụng đất đúng mục đích hay không?

+ Đúng là khó thiệt! Nhưng ngay cả Sở TN&MT tỉnh cũng phải hỏi ý kiến của Tổng cục Quản lý Đất đai thì chúng tôi làm khác hơn sao được. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Sở TN&MT tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc này để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua đấu giá đất.

Thiệt thòi cho ông Chính

Ngay sau khi ông Chính nộp đủ tiền mua đất, trung tâm đã phối hợp với Cục THA dân sự tỉnh làm tất cả thủ tục liên quan để UBND huyện cấp giấy chứng nhận cho ông. Tiếc là gần hai năm nay ông Chính phải tốn kém tiền bạc, công sức đi lại rất nhiều lần nhưng việc cấp giấy chứng nhận vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông NGUYỄN TẤT THẮNG, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương)

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm