Muốn 'chơi' với ông lớn, công ty Việt phải đạt tiêu chuẩn xanh

(PLO)- Nhiều doanh nghiệp Việt đang đối mặt thách thức phải đạt các tiêu chuẩn xanh.

Ngày 2-6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM tổ chức hội thảo “ESG - Dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu".

Muốn chen chân vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải xanh

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) Việt nỗ lực trong giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ESG tại DN gặp một số khó khăn.

Thứ nhất song hành với ESG có các bộ tiêu chuẩn khác đang được những tổ chức đánh giá sử dụng nên DN khó lựa chọn áp dụng. Thứ hai, chi phí nguồn lực của DN Việt còn yếu. Nhiều DN mong muốn phát triển theo hướng bền vững song còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ, chưa thể thay thế ngay công nghệ mới.

EGS Ià chìa khóa quan trọng trong quá trình dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu, ITPC mong muốn qua tọa đàm DN xem đây là cơ hội để phát triển nhằm giảm thiểu các thách thức này để phát triển bền vững

Cùng nhìn nhận trên, ông Huỳnh Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty LeanWares, cho biết xu hướng các xưởng gia công ở Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia là cơ hội tốt cho DN Việt tiếp cận nguồn đầu tư từ các nước.

Tuy nhiên, DN đối mặt với thách thức phải đạt các tiêu chuẩn xanh, trong đó có ESG vì những “ông lớn” như Apple cam kết đến năm 2030 chuỗi cung ứng của họ sẽ đạt phát thải cacbon bằng 0. Nếu DN Việt muốn chen chân vào chuỗi cung ứng đó, hoặc muốn trở thành công ty vệ tinh của các “ông lớn” bắt buộc thay đổi, tiến hành ESG.

Khách hàng tham quan triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số năm 2023 đang diễn ra từ ngày 1 đến 7-6. Ảnh : TÚ UYÊN

Khó đáp ứng, doanh nghiệp phải rời thị trường

Ông Huỳnh Thanh Trung cho biết, thực tế hiện nay nhiều DN ngành hàng dệt may, gỗ...đang khó khăn do không có đơn hàng nhưng vẫn sản xuất để tồn kho, chưa kể công nợ của khách hàng kéo dài, lãi vay cao. Vì vậy, DN nào không đủ tài chính dự phòng sẽ khó khăn duy trì kinh doanh.

“Do đó, để làm ESG không dễ dàng, đòi DN phải chuẩn bị nguồn lực rất lớn. Đơn cử một nhà máy chuyên về nội thất (Bình Định) sau 20 năm kinh doanh buộc phải chuyển sang sản xuất dòng hàng mới là nhiên liệu sinh khối. Nguyên nhân là trong khi đơn hàng sụt giảm, DN vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Điều này quá phức tạp, tốn kém ” - ông Trung kể.

Ông Trung cho biết, chưa kể chi phí đầu tư, tính riêng về thời gian, nếu xây dựng một nhà máy mới hoàn toàn đạt tiêu chuẩn xanh nhanh nhất là hai năm. Một nhà máy cũ, tùy mức độ, nếu đạt 80% cơ bản thì chỉnh sửa một chút về hạ tầng, hệ thống, đào tạo nhân sự …để một bên độc lập đến đánh giá phải mất sáu đến chín tháng. Đây là áp lực lớn cho DN Việt Nam.

“Các thương hiệu lớn trên thế giới đưa ra xu thế để các nhà gia công phải tuân thủ theo. Đây là sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Nhiều DN Việt đang đứng trước ngã ba đường là bỏ cuộc chơi, tái cấu trúc để thích ứng từ từ hay phải đầu tư xanh. Hiện một phần nhỏ DN tái cấu trúc chờ thích ứng, DN có điều kiện triển khai xanh cũng rất ít” - ông Trung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới