Muốn đối phó scandal: Đừng nổi tiếng!

Chuyện đúng sai, hay dở trong nghệ thuật, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bất kỳ phó thường dân nào, kẻ ngoại đạo nào cũng có thể bàn luận được. Hay là xứ mình nó thế?

Cứ nổi tiếng là buộc phải trốn đời

Tôi không rõ có cách nào để người ta đừng bao giờ nổi tiếng hay không, tất nhiên đây là đang nói đến lớp người làm văn nghệ, chứ công này việc khác không dính gì đến đàn ca hát xướng chắc chắn yên phận hơn nhiều, chẳng bao giờ phải lo bị nổi tiếng hay là tai tiếng. Nổi tiếng thì kèm với tai tiếng như món khuyến mãi tặng kèm lúc bạn đi siêu thị vào mùa giảm giá. Nổi tiếng thì trăm mắt nhìn vào, nghìn miệng bình phẩm, dù có khôn khéo mấy hoặc là biết cách sống uốn lượn như rắn cũng vẫn cứ chết, cứ tơi tả, cứ scandal không to thì nhỏ. Tôi không rõ có cách nào để sống giữa rừng gươm như thế mà vẫn điềm tĩnh thư thả, ngủ vẫn ngon giấc và sáng ra nhìn vầng dương lên vẫn mỉm cười được không, hay là cứ nổi tiếng là buộc phải trốn đời, trốn dư luận, trốn báo giới, trốn các thể loại hâm mộ, trốn cả gia đình mình nữa? Hồi 2004, tức là tám năm trước, tôi buộc phải trốn nhà, mà “nhà” nào phải to tát gì - chỉ có mẹ tôi, người mẹ già kỹ tính hay lo, khóc khô nước mắt vì sáng nào cũng thấy báo giật tít tên con mình ăn cắp. Điều đó gọi là gì nếu không phải là nhẫn tâm?

Muốn đối phó scandal: Đừng nổi tiếng! ảnh 1

Nhạc sĩ Quốc Bảo và nhạc sĩ Bảo Chấn, người cũng chịu không ít búa rìu dư luận vì sự nổi tiếng, tại buổi hòa nhạc Đêm mục đồng của Hoàng Anh 6-2012.

Làm thế nào để tránh scandal, tôi không biết. Dư luận luôn muốn tìm hiểu, tọc mạch, săm soi đời tư những người nổi tiếng, điều này đã trở thành một thứ tập quán xã hội, nhất là xã hội phương Đông vốn kín đáo - càng kín đáo người ta càng tò mò. Không ai làm tình nơi công cộng nên mới có thói nhòm lỗ khóa; không ai dại đến mức mỗi lần yêu cũng phải một lần báo cáo với truyền thông, thế nên truyền thông mới săm soi tận chân giường những người nổi tiếng.

Nếu lỡ nổi tiếng thì vờ như người vô danh

Scandal là đứa con ruột của truyền thông, của dư luận, không phải con dù là con ghẻ, con rơi của người nổi tiếng. Scandal là món quà không muốn cũng phải nhận và bán lại không ai mua; chỉ người nổi tiếng - bản thân đương sự - tùy nghi xử lý dựa vào độ bình tĩnh và kinh nghiệm sống của chính mình. Tôi đối phó với scandal bằng cách không trốn xã hội, vẫn làm việc bình thường, chỉ trốn mẹ tôi. Tôi không chịu nổi những giọt nước mắt. Hồi 2004, mẹ tôi một thân một mình lủi thủi ở gian nhà cũ hẻm nhà thờ Thăng Long, tôi thì đang vướng vào việc tòa án xử ly dị, một chuyện đã phiền huống hồ thù trong giặc ngoài. Tôi chứng kiến cảnh anh Bảo Chấn suy sụp sau khi bị kết tội như thế nào, bị hạ đường huyết suýt đột quỵ ra sao, nỗi buồn và sự đen tối phủ vây chẳng phải vì anh Chấn “sợ” dư luận phát sốt phát rét, mà vì cảm thấy mình đã đem lại phiền toái cho vợ con. Tôi thì đem phiền cho mẹ. Tội bất hiếu. Tôi nhớ một buổi chiều hội đồng xét duyệt tác phẩm đến xem chương trình Giai điệu xanh mà tôi dàn dựng ở Nhà hát Bến Thành, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bắt tay tôi cười: “Sao, đỡ nhức đầu chưa? Ai biểu nổi tiếng!”. Vâng thì thế, vô danh tiểu tốt chắc là bình yên. Bởi nếu chỉ là người vô danh thì những lỗi lầm, những thất bại của mình cũng đỡ bị săm soi. Làm thế nào để đừng nổi tiếng, hay là nếu lỡ nổi tiếng rồi thì cứ vờ như mình vô danh? Cách này, theo tôi khả thi. Mấy năm nay tôi đặt ra nội quy cấm người nhà đem một số tờ báo Việt về, âu cũng là phương cách tốt để miễn nhiễm với dư luận, với tin chó cán xe, tin nhảm, lời nói hồ đồ. Phúc cho tôi là mẹ tôi hồi sức sau những năm đau buồn ấy. Phúc cho tôi là tôi vẫn còn bạn bè, công việc, niềm vui, tình yêu. Nhưng suy cho cùng, dễ sống nhất vẫn là vô danh. Vô danh đi, đấy là ân sủng của đời dành cho bạn. Ai biểu nổi tiếng! Anh Phạm Minh Tuấn có lý.

QUỐC BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm