'Muốn khóc' khi buộc siêu thị chỉ được giảm giá 3 lần/năm

Như tin đã đưa, Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối (các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm…).

Dự thảo này đưa ra nhiều quy định bị các nhà bán lẻ, hiệp hội đánh giá là rất “lạ đời”, vẽ ra rất nhiều giấy phép con cản trở người kinh doanh. Điển hình là quy định: Mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Nói về quy định này, bà Nguyễn Thị Hà, nhà ở quận 11, TP.HCM cho biết bà thường đi Siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt vì ở đây thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, nhiều mặt hàng được giảm giá. Ví dụ, dịp lễ 30-4 vừa qua ở đây giảm giá nồi inox từ 199.000 còn 149.000 đồng nên bà mua.

“Tới đây nếu siêu thị bị khống chế khuyến mãi thì tôi sẽ ít được mua hàng với giá rẻ cùng với quà tặng” - bà Hà nói.

Tương tự, chị Trần Hồng Hạnh, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM kể mới đây đi Siêu thị Lotte Mart thấy có chương trình khuyến mãi thời trang dành cho trẻ em nên bộ đồ thun của bé giảm giá chỉ còn 99.900 đồng/bộ. Thấy rẻ chị đã mua mấy bộ cho hai đứa con ở nhà.

Theo chị Hạnh, không riêng hàng thời trang mà siêu thị luôn có nhiều chương trình giảm giá, nhất là vào các dịp lễ lớn. Nhờ vậy mà những người dân được hưởng lợi nhất là các mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt… Nó giúp cho các bà nội trợ giảm được nhiều chi phí cho chi tiêu gia đình.

Trong khi đó, bà Lê Thị Bình cho biết mỗi khi biết Siêu thị Co.opmart hay Big C đang giảm giá dầu ăn, sữa tắm, gạo, quần áo… thì đi siêu thị mua.

“Có nhiều lần nghe hàng xóm khoe mua được hàng này, hàng kia giảm giá ở siêu thị nên nhiều người mách nhau chờ siêu thị có giảm giá mới đi mua. Thật sự đó cũng là cách giúp giảm chi phí đáng kể. Nếu siêu thị mà không có nhiều hàng giảm giá thì thiệt thòi cho người tiêu dùng quá” - bà Bình nói.

Đại diện một siêu thị tại TP.HCM cũng cho hay: Hiện nay các siêu thị đều tổ chức ít nhất 20 chương trình khuyến mãi/năm. Vì khi sức mua thị trường yếu, các nhà bán lẻ nội hay ngoại đều phải tăng khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng và điều này là có lợi cho khách hàng, vậy tại sao lại chỉ cho phép khuyến mãi ba lần/măm? Nếu siết theo hướng dự thảo của Bộ Công Thương thì nhà bán lẻ chắc chắn sẽ… chết.

VCCI cũng nhận xét các quy định giới hạn về khuyến mãi, giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Bộ Công Thương đưa ra quy định giới hạn khuyến mãi, giảm giá ở các siêu thị là đi ngược với thị trường, can thiệp quá sâu vào chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược với tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ… là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm