Mỹ báo động 8.500 quân, sẵn sàng điều đến Đông Âu giữa căng thẳng với Nga

Đài RT dẫn thông tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 24-1 cho biết Lầu Năm Góc sẵn sàng điều 8.500 binh sĩ “tăng cường sẵn sàng triển khai” đến Đông Âu trong trường hợp NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) quyết định kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh ở Ukraine.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, lực lượng Mỹ hiện đang được đặt ở mức cảnh báo cao và vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra để triển khai đến Đông Âu.

Việc triển khai có thể xảy ra nếu và khi NATO quyết định kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh (NRF), bao gồm khoảng 40.000 quân từ các nước thành viên. 

Ông Kirby cho biết Mỹ duy trì "các lực lượng có khả năng chiến đấu đáng kể ở châu Âu là để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công" từ Nga.

Mặc dù không có nhiệm vụ cụ thể nào được đưa ra cho các binh sĩ, ông Kirby cho hay Lầu Năm Góc hy vọng có thể triển khai “các đội chiến đấu bổ sung của lữ đoàn, nhân viên hậu cần, hỗ trợ y tế, hỗ trợ hàng không, tình báo, giám sát và trinh sát” nếu được yêu cầu.

Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Georgia. Ảnh: AP

Trước đó, theo tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc đến việc triển khai quân đội, máy bay và tàu chiến tới khu vực Baltic và Đông Âu như một biện pháp để ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.

Trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, tờ báo cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc kế hoạch triển khai từ 1.000 đến 5.000 quân, với khả năng tăng gấp 10 lần con số này nếu tình hình xấu đi. 

Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình bày nhiều phương án với Tổng thống Biden vào ngày 22-1 tại một cuộc họp ở Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Thurmont. Tờ New York Times cho hay ông Biden có thể đưa ra quyết định trong tuần này.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Nga điều hơn 100.000 quân đến khu vực giáp biên giới với Ukraine nhằm chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Kiev. 

Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên và nhấn mạnh rằng họ có quyền di chuyển quân đội trên lãnh thổ của mình một cách hợp pháp khi thấy phù hợp.

Các thành viên Lữ đoàn dù 173 của quân đội Mỹ có mặt tại một căn cứ không quân ở Swidwin, Ba Lan. Ảnh: RT

Các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã cảnh báo Moscow về những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nước này tấn công Ukraine, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc có thể làm tê liệt nền kinh tế Nga. 

Vào ngày 19-1, Tổng thống Biden thừa nhận có sự khác biệt giữa Mỹ và các đồng minh trong quan điểm về cách tốt nhất để trừng phạt Điện Kremlin, song ông hứa khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu sẽ “áp đặt những chi phí phạt nặng nề lên Nga và nền kinh tế Nga”.

"Đây không chỉ là một bước đi nhẹ nhàng đối với Nga. Về mặt quân sự, họ có ưu thế vượt trội so với Ukraine, nhưng họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt” - ông Biden nhấn mạnh.

Trước động thái của Mỹ và các nước phương Tây, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những cáo buộc cho rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine là “vô căn cứ và sai trái”.

“Nga đã, đang và sẽ không bao giờ có kế hoạch tấn công bất kỳ ai. Nga là một quốc gia hòa bình, quan tâm đến mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng” - ông Peskov khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm