Báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết trước sức ép của Mỹ, TQ đã buộc phải bỏ hai điều khoản liên quan đến FTAAP trong dự thảo tuyên bố chung của hội nghị APEC sắp tới. Hai điều khoản đó là kêu gọi nghiên cứu tính khả thi của FTAAP và ấn định mục tiêu hoàn tất FTAAP vào năm 2025.
Đối với TQ, FTAAP sẽ bảo đảm cho TQ tiếp tục được ưu đãi tiếp cận thị trường một số đối tác thương mại lớn. FTAAP từng nhiều lần được đưa ra thảo luận tại APEC. Mỹ là nước đầu tiên kêu gọi thảo luận thành lập FTAAP, tuy nhiên sau đó tạm gác FTAAP để tập trung đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với 11 nước, trong đó không có TQ.
Mỹ lo ngại đàm phán FTAAP vào thời điểm hiện tại sẽ làm hỏng nỗ lực đàm phán hoàn tất TPP vốn đang gặp trở ngại ở một số điểm như vấn đề bảo hộ nông nghiệp ở Nhật và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở các nước đang phát triển.
Các quan chức thương mại Mỹ cho biết cách đây ba tháng, không khí thảo luận giữa Mỹ và TQ về FTAAP trở nên gay gắt. Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 8, một quan chức thương mại Mỹ khẳng định Mỹ không đồng ý đưa vào dự thảo tuyên bố chung của hội nghị APEC nội dung về khởi động đàm phán FTAAP. Tuy nhiên, TQ vẫn cứ thúc ép.
Đến ngày 14-10, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin nội dung liên quan đến FTAAP vẫn được giữ nguyên trong tuyên bố chung APEC. Một số nền kinh tế trong APEC phản đối mạnh mẽ và TQ buộc phải nhượng bộ. Dự thảo tuyên bố chung gửi cho các nước thành viên APEC hôm 16-10 đã không còn nội dung về FTAAP.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard cho biết dù không đưa vào tuyên bố chung nhưng chủ đề FTAAP vẫn được thảo luận tại hội nghị APEC.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), TPP sẽ khiến TQ mất khoảng 100 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vì các đối tác trong TPP sẽ trao đổi thương mại ít hơn với TQ. Còn nếu FTAAP được thiết lập, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của TQ vào năm 2025 sẽ đạt 1.590 tỉ USD trong khi mức tăng của Mỹ chỉ đạt 626 tỉ USD.
Báo Wall Street Journal ghi nhận đây là lần thứ hai Mỹ ngăn cản tham vọng kinh tế quốc tế của TQ. Trước đó, Mỹ đã quyết liệt vận động hành lang để phản đối kế hoạch lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á của TQ. Mỹ lập luận AIIB đặt ra ít tiêu chuẩn hơn so với các ngân hàng phát triển khác và chủ yếu làm lợi cho các công ty phát triển hạ tầng của TQ. Đến nay đã có 21 nước ký thỏa thuận thành lập AIIB nhưng một số nước lớn ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Indonesia không tham gia.
LÊ LINH