Mỹ 'cực kỳ bực bội' việc Ấn Độ mua S-400, sắp áp trừng phạt

Bất chấp đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ, Ấn Độ kiên quyết triển khai thỏa thuận quốc phòng mua S-400 ký với Nga.

Theo hãng tin Sputnik, Mỹ nhìn nhận ý định của Ấn Độ muốn mua hệ thống phòng không S-400 “có chút vấn đề”, nên các quan chức Washington đang làm việc với quân đội Ấn Độ tìm cách thuyết phục quốc gia châu Á này thay đổi ý định.

“Chúng tôi muốn thấy thiết bị quốc phòng Mỹ ở đó, giúp chiến thuật và học thuyết liên kết cùng nhau. Điều đó sẽ làm mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên khăng khít. Chắc chắn có vấn đề với S-400. Có một chút vấn đề, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại”, Đô đốc Philip Davidson – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) - phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen tổ chức tại bang Colorado.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Vấn đề mà ông Davidson nói ở đây là việc Ấn Độ xem hệ thống S-400 là “vấn đề chính sách” gắn liền với sự tự hào của nước này là một quốc gia không liên kết.  

Tuy nhiên, một quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ tiết lộ Ấn Độ có khả năng hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ chiếu theo Đạo luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã “vô cùng bực bội” vì nước này tiếp tục mua thiết bị phòng thủ của Nga và phớt lờ các lo ngại của Mỹ, theo hãng tin Sputnik.

Vị quan chức trên cho biết lệnh trừng phạt có thể được áp đặt tăng dần bởi việc bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sẽ mất một khoảng thời gian.

“Quyết định mua hệ thống S-400 của Ấn Độ và những kế hoạch mới của nước này trong việc bổ sung thiết bị quốc phòng mua từ Nga là rất đáng quan ngại… Ấn Độ hiện giờ đang bị xem xét áp trừng phạt theo đạo luật CAATSA”, vị quan chức Mỹ cấp cao nói với trang web tin tức The Print. Người này cũng tiết lộ rằng Washington “vô cùng bực bội và không hài lòng” với Ấn Độ việc nước này ký thỏa thuận mua thiết bị quân sự trị giá hàng tỉ USD với Nga kể từ tháng 10-2018.

Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump cho hay Mỹ sẽ cân nhắc giảm nhẹ trừng phạt Ấn Độ nếu Washington nhận được các hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỉ USD từ New Delhi.

“Cách cứu nguy duy nhất sẽ là nếu Ấn Độ đặt mua tiêm kích tàng hình hiện đại của Mỹ”, vị quan chức trên nói thêm.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ cương quyết mua hệ thống S-400 của Nga bất chấp mối đe dọa bị Mỹ trừng phạt.

Một vụ thử nghiệm hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Với quyết tâm thực hiện thỏa thuận quan trọng chiến lược trị giá 5,43 tỉ USD với Nga, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 17-6 thông báo việc chuyển giao năm tổ hợp S-400 sẽ hoàn tất vào năm 2023. Để né đòn trừng phạt của Mỹ, Ấn Độ và Nga đã tìm ra một giải pháp là Ấn Độ sẽ sử dụng đồng euro chi trả cho hợp đồng mua tổ hợp phòng không S-400 từ Nga.

Chính phủ Ấn Độ nhiều lần khẳng định với Mỹ lập trường của nước này về quyết định mua hệ thống của Nga. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 6, Ấn Độ tuyên bố rằng nước này sẽ ra các quyết định của quyền dựa trên sự nhận thức về đe dọa, các khía cạnh vận hành và công nghệ để đảm bảo quân đội Ấn Độ luôn trong tình trạng sẵn sàng và đáp ứng toàn bộ thách thức an ninh.

Mỹ lo ngại Nga đi quá xa

Trong 10 năm qua, Mỹ vẫn là nguồn cung cấp quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ với các thương vụ trị giá hơn 12 tỉ USD, trong đó có thỏa thuận cung cấp máy bay vận tải C-17 trị giá 4,7 tỉ USD. Ấn Độ đã ký một loạt hợp đồng quốc phòng với Nga kể từ tháng 10-2018, thời điểm New Delhi phê duyệt thỏa thuận 5,43 tỉ USD mua hệ thống S-400 từ Nga.

Tháng 3 năm nay, Ấn Độ và Nga đã ký một thỏa thuận thuê tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula trị giá hơn 3 tỉ USD. Hai nước này cũng ký kết nhiều thương vụ quốc phòng trị giá hơn 7 tỉ USD, gồm hệ thống phòng không tầm ngắn, hệ thống tên lửa không đối không, tàu hộ vệ lớp Talwar và súng trường tấn công Ak-203.

Ấn Độ đã yêu cầu Nga hiện đại hóa phi đội Su-30MKI – máy bay chiến đấu đa nhiệm, siêu cơ động. Ấn Độ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua ít nhất 21 tiêm kích MiG-29 trị giá hơn 800 triệu USD nhằm nâng cấp phi đội đang già hóa trong lực lượng không quân lớn thứ tư thế giới này.

Ngoài ra, Nga và Ấn Độ dự kiến ký một thỏa thuận hậu cần quân sự trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9 tới khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một hội nghị thượng đỉnh thường niên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới