Mỹ nhân châu Á vật lộn để được làm tiếp viên

Mỹ nhân châu Á vật lộn để được làm tiếp viên ảnh 1

Các nữ tiếp viên xinh đẹp chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của những hãng hàng không hàng đầu châu Á. Ảnh: Sina

"Mặt gãy, người thấp, nhiều mụn" là những từ tóm tắt miêu tả bức ảnh trong đơn xin việc của Jessica. Cô gái Hàn Quốc 28 tuổi này đã lọt vào vòng thứ hai trong quá trình ứng tuyển vào một hãng hàng không nổi tiếng của Nhật Bản. Ước mơ của Jessica là trở thành một tiếp viên hàng không, nhưng cô hiểu sự khốc liệt của công việc này và cơ hội nhỏ nhoi của bản thân.

Quả thực, không dễ để trở thành một nữ tiếp viên hàng không ở châu Á. Điển hình như tại Hàn Quốc, những cô gái muốn có công việc này phải có bằng đại học và sử dụng tiếng Anh thành thạo. Nhưng một yếu tố khác cũng được chú trọng không kém, đó là ngoại hình. Các cô gái có thân hình hấp dẫn và gương mặt xinh đẹp luôn có cơ hội cao hơn. Ở Nhật Bản,các hãng hàng không luôn loại trừ thẳng cánh những phụ nữ sở hữu "hàm răng không đều", "ngực phẳng", "lưng dài", "mụn trứng cá" và "thân hình xấu xí".

Hãng hàng không Korean Air luôn ưu tiên những ứng viên dưới 27 tuổi, có "một cơ thể khỏe mạnh" và "hàm răng trắng, đều". Các nữ tiếp viên hàng không của hãng Asiana Airlines chỉ được phép mặc váy ngắn, hạn chế tuyệt đối việc đeo kính trong khi làm việc và không được để móng tay dài quá 3mm.

Hãng hàng không China Southern Airlines thậm chí còn khắc nghiệt hơn khi yêu cầu những cô gái còn độc thân, dưới 25 tuổi và đạt tiêu chuẩn lý tưởng về cân nặng.

Trong khi đó, tại Singapore Airlines, màu sắc của son môi, phấn mắt và sơn móng tay của những nữ tiếp viên hàng không đều do công ty quy định. Hình ảnh "Cô gái Singapore" đã trở thành gương mặt đại diện của hãng và là một biểu tượng toàn cầu.

Trên thực tế, chất lượng phục vụ của các hãng hàng không châu Á đã được vinh danh trên toàn thế giới. Asiana Airlines từng đạt giải Nhân viên Hàng không Tốt nhất trong khuôn khổ Giải thưởng Hàng không Thế giới năm 2011, theo sau là Malaysia Airlines và Singapore Airlines. Không những thế, 4 trong số 5 giải thưởng World's Best Airline đều thuộc về châu Á.

Mỹ nhân châu Á vật lộn để được làm tiếp viên ảnh 2

Các bức ảnh của ứng viên xếp chồng lên nhau trong văn phòng hãng hàng không Asian Airlines, như thể hiện sự khắc nghiệt của lĩnh vực này. Ảnh: Kyle Burton

Thành công này có được là nhờ việc tuân thủ hệ thống nguyên tắc nghiêm ngặt đối với các nữ tiếp viên, những người luôn được cho là phải thể hiện được sự quyến rũ, lịch sự và phong cách. Tính đồng nhất là một yếu tố quan trọng khi xây dựng thương hiệu. Chính vì vậy, các cô gái của những hãng hàng không luôn phải xuất hiện trong đồng phục, phong cách và hành động như đúc từ một khuôn.

Vẻ ngoài giống hệt nhau không hẳn là một thảm họa. Rất nhiều phụ nữ sẵn sàng dành hàng năm để có được vẻ ngoài của những "cô búp bê hàng không". Ở Asiana Airlines, các cô gái phải trải qua những kỳ đào tạo hết sức nghiêm ngặt để trở thành biểu tượng của sự chuyên nghiệp. Họ được giáo viên của Trung tâm Tạo dựng Hình ảnh huấn luyện cách đi đứng, cách nở nụ cười, và cả cách trang điểm "đúng chất" nhất. Những nguyên tắc cứng nhắc không chỉ phản ánh văn hóa Á Đông mà còn thể hiện sự kính trọng với các nghi thức lâu đời. Các hãng nói rằng sự quyến rũ, duyên dáng và tinh tế của những tiếp viên hàng không xuất phát từ giá trị truyền thống và được tạo dựng để góp phần giúp hành khách có được một chuyến bay đáng nhớ.

Tuy nhiên, các nguyên tắc này không phải chỉ nhận được những lời hưởng ứng. Một số phụ nữ và tổ chức xã hội của họ đã lên tiếng chỉ trích các hãng hàng không vì những quy định bị cho là lỗi thời. Một số tiếp viên cho rằng những nguyên tắc cứng nhắc này mang tính phân biệt đối xử và không phù hợp với tình hình hiện tại, họ nói, nhấn mạnh rằng tại phương Tây, các yêu cầu như vậy có thể bị coi là hành động coi thường phụ nữ và vi phạm pháp luật.

Kweon Soo-jeong, đại diện tổ chức công đoàn của hãng hàng không Asiana, cho biết, mọi nữ tiếp viên đều đồng ý các yêu cầu về trang phục. "Nhưng thật quá đáng khi công ty vượt quá ranh giới của yêu cầu công việc khi áp đặt những nguyên tắc về hình ảnh từ đầu tới chân", Kweon nói. Theo Kweon, một trong những nguyên tắc gây ra nhiều bất bình nhất là không cho phép các cô gái mặc quần đồng phục.

Rõ ràng là với sự thành công liên tục trong kinh doanh, ông chủ các hãng hàng không luôn tỏ ra miễn cưỡng trước mọi sự thay đổi dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, một số công ty đang thử nghiệm những phương án thay đổi hình ảnh để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Hong Kong Airlines đã bắt đầu chương trình giảng dạy kung fu cho các nữ tiếp viên, trong khi phi hành đoàn của Cebu Pacific Air vừa nhún nhảy vừa giới thiệu các quy tắc an toàn cho hành khách.

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều tranh cãi trong vấn đề này, như lời Jade, một cựu nhân viên của Asiana Airlines, nói: "Mọi người nhìn vào Asiana Airlines và cho rằng hãng cần có một sự thay đổi theo tiêu chuẩn phương Tây. Nhưng các hành khách lại yêu thích những tiếp viên hàng không với phong cách châu Á, cũng như tận hưởng sự phục vụ chu đáo mà họ đáng được nhận. Đó là một trải nghiệm riêng biệt mà người ta sẽ không thể nào tìm thấy ở phương Tây".

Theo Quỳnh Hoa (VNE / Yonhap)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm