Một máy bay của Nhật Bản bay qua quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo
"Tuyên bố từ chính phủ Trung Quốc là sự kích động không cần thiết", phó phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên trên chiếc Không lực một. "Có những tranh chấp khu vực trên thế giới và nên được giải quyết bằng phương pháp ngoại giao".
Quyết định thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng Không (ADIZ) được Bắc Kinh tuyên bố hôm 23/11. Pham vi của vùng này bao trùm vùng biển Hoa Đông nằm giữa Đài Loan và Hàn Quốc, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản.
Theo quyết định này, các phi cơ bay vào khu vực trên phải tuân thủ mệnh lệnh của Trung Quốc, nếu không quân đội nước này có quyền "vận dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp".
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama khẳng định quần đảo này nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, và tuyên bố sẽ bảo vệ nước đồng minh nếu có bất kỳ sự cố gì xảy ra ở đây.
Quân đội Mỹ, với hơn 70.000 binh sĩ đang đóng quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc, khẳng định sẽ không tuân thủ vùng phòng không "gây bất ổn" mà Trung Quốc áp đặt.
"Khi chúng tôi bay vào khu vực này, chúng tôi sẽ không đăng ký kế hoạch bay, không khai báo hệ thống thu phát tín hiệu, tần số vô tuyến và nhãn hiệu của chúng tôi. Đó là 4 điều mà Trung Quốc đã công khai yêu cầu", phát ngôn viên Lầu Năm góc Steve Warren nói. "Chúng tôi sẽ không thay đổi cách thức hoạt động theo chính sách mới của họ".
Trước đó, Tokyo cũng tuyên bố không công nhận sự áp đặt đơn phương của Bắc Kinh và cảnh báo về "những sự việc khó lường có thể xảy ra". Tuy nhiên, một quan chức thuộc Japan Airlines cho hay, hãng hàng không này đã nhận được một thông báo và sẽ bắt đầu đệ trình kế hoạch bay cho các nhà chức trách Trung Quốc.
Hãng hàng không All Nippon Airways cũng giống như đối thủ của mình, xem các chuyến bay trong khu vực châu Á là cốt lõi kinh doanh và sẽ thực thi yêu cầu của Trung Quốc, Jiji Press cho biết.
Bản đồ cho thấy vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc vừa tuyên bố (đường gạch đỏ). Đồ họa: BBC/CDM
Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba trong số các đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.
Sau một thời gian lắng xuống, mâu thuẫn lại tăng lên vào cuối tháng 10 năm nay, khi hai nước khẩu chiến với những lời tố cáo nhau "ngạo mạn, khiêu khích" và lời đe dọa "không dung thứ", cũng như liên tục tiến hành diễn tập quân sự gần khu vực tranh chấp.
Patrick Cronin, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Tân An ninh Mỹ, nhận định: "Trung Quốc đang kích động cho Nhật Bản hành động một cách nóng giận, trong khi ép Mỹ phải thận trọng và kiềm chế đồng minh của mình".
Theo Anh Ngọc (VNE)