Mỹ tăng cường vai trò trong APEC

Các nước tham dự hội nghị APEC có thể đấu tranh về thương mại nhưng đã tránh được xung đột vũ trang trong nhiều thập niên qua. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định như trên và chủ trương châu Á-Thái Bình Dương nên giữ vững con đường phát triển này.

Chuyên gia Michael Mazza ở Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định 30 năm qua, châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển mạnh về kinh tế lẫn chính trị và đó cũng là lý do Mỹ đã và đang bảo đảm ổn định tại khu vực này.

Ông ghi nhận từ chiến tranh thế giới thứ hai, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và các đồng minh đã xây dựng tình hình an toàn tuyệt đối ở châu Á-Thái Bình Dương, góp phần phát triển hùng mạnh về kinh tế cho các thành viên APEC như Nhật, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Ông cho rằng Trung Quốc, đối tác thương mại phát triển nhanh nhất và lớn nhất của APEC, cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ kiến ​​trúc an ninh châu Á do Mỹ dẫn đầu. Theo ông, tình hình đó tạo ra một công thức khó xử, trong đó nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương hướng đến Bắc Kinh vì tăng trưởng kinh tế nhưng lại hướng đến Washington vì an ninh khu vực.

Mỹ tăng cường vai trò trong APEC ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định dù trước mắt Mỹ đã cắt giảm chi phí quốc phòng nhưng vẫn duy trì thế mạnh tại châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện Mỹ rút quân khỏi Iraq (trước cuối năm 2011) và Afghanistan (trước năm 2014) sẽ cho phép Washington tập trung tái triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc dự án 2049 cho biết Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ vai trò của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, không giống nhiều nước châu Á, Trung Quốc dường như không hài lòng với trật tự quốc tế do Mỹ đưa ra.

Báo cáo cũng cảnh báo sự bất mãn và tham vọng của Bắc Kinh sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh an ninh Mỹ-Trung. Lập trường của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông không còn là vấn đề xa lạ đối với các nước thành viên APEC.

Trước đây, một quan chức hải quân Trung Quốc từng đề nghị với cựu đô đốc Mỹ Timothy Keating rằng Trung Quốc và Mỹ nên vạch ra ranh giới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mỗi nước sẽ kiểm soát phần của mình. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị gạt bỏ.

Mỹ ủng hộ khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế

Trong khuôn khổ hội nghị APEC lần thứ 19, chiều ngày 10-11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã tới Honolulu. Ngay sau khi đến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp ông Neil Abercrombie, thống đốc bang Hawaii; Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton; lãnh đạo một số tập đoàn Mỹ; gặp mặt thân mật với đại diện Việt kiều và lưu học sinh tại Hawaii.

Trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Hillary Clinton, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác với khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược.

Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược; Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước liên quan đóng góp vào tự do và an toàn hàng hải.

Bà phát biểu Mỹ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực; ủng hộ các nước có quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình; hoan nghênh các nỗ lực tiến tới hình thành bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.

TNL (Theo VOV)

Cam kết cải cách cấu trúc kinh tế và tài chính

Ngày 12-11, hội nghị cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) lần thứ 19 sẽ khai mạc ở Honolulu, bang Hawaii (Mỹ). Hội nghị kéo dài trong hai ngày với chủ đề Hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết. Trước đó, hội nghị các bộ trưởng Tài chính APEC đã ra tuyên bố chung với các điểm chủ yếu như sau:

- Cam kết cải cách cấu trúc kinh tế nhằm tăng sản lượng kinh tế, tạo việc làm, phát triển xã hội. Cải cách tài chính nhằm ngăn chặn khủng hoảng. Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và thương mại.

- Khi cần thiết sẽ hành động ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính châu Âu. Kêu gọi châu Âu phải hành động quyết liệt hơn để phục hồi và ổn định tài chính toàn cầu.

ĐĂNG KHOA (Theo WSJ, THX, Washington Post)

DUY KHANG (Theo Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm