Myanmar bầu Quốc hội bổ sung

Ngày 1-4, hàng triệu cử tri Myanmar sẽ đi bỏ phiếu tại hơn 8.000 trung tâm bầu cử để bầu bổ sung 45 ghế còn thiếu trong tổng số 664 ghế sau kỳ bầu cử Quốc hội năm 2010.

Theo Ủy ban Bầu cử Myanmar, có 157 ứng cử viên của 17 đảng ra ứng cử gồm 129 ứng cử viên tranh cử 37 ghế Hạ viện, 22 ứng cử viên tranh cử sáu ghế Thượng viện và sáu ứng cử viên tranh cử hai ghế ở các nghị viện khu vực.

Điểm đặc biệt so với kỳ bầu cử Quốc hội năm 2010 là trong kỳ bầu cử ngày 1-4, chính phủ Myanmar đã mời các quan sát viên quốc tế đến giám sát, trong đó có các quan sát viên các nước ASEAN.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 30-3 cho biết Bộ Ngoại giao Myanmar đã cung cấp tất cả thông tin bầu cử cần thiết cho các quan sát viên quốc tế và họ được quyền tự do lựa chọn địa điểm bầu cử để quan sát. Đài truyền hình Channel News Asia (Singapore) cùng ngày dẫn lời Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin khẳng định chính phủ Myanmar cam kết sẽ nỗ lực để kỳ bầu cử Quốc hội bổ sung diễn ra tự do, công bằng và minh bạch.

Myanmar bầu Quốc hội bổ sung ảnh 1

Bà Aung San Suu Kyi họp báo tại Yangon (Myanmar) ngày 30-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Cố vấn tổng thống Myanmar Nay Zin Latt trao đổi với hãng tin AP rằng sẽ còn một số thiếu sót không mong muốn nhưng trên hết chủ trương của chính phủ Myanmar là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Báo Myanmar News (Myanmar) nhận định đây là kỳ bầu cử mang tính chất bước ngoặt bởi lần đầu tiên bà Aung San Suu Kyi, Tổng Thư ký đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, ra tranh cử từ năm 1990. Báo bình luận: “Bầu cử tự do và công bằng có thể hàn gắn được các vết thương trong quá khứ”.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2010, đảng của bà Aung San Suu Kyi không tham gia vì luật bầu cử yêu cầu đảng này phải trục xuất các đảng viên có tiểu sử vi phạm luật pháp, trong đó có bà.

Hãng tin AP ghi nhận đây là sự kiện thể hiện tinh thần hòa giải dân tộc sau hơn hai thập niên chống đối giữa thế lực quân sự cầm quyền và phong trào do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo khiến Myanmar bị cô lập, kinh tế bị kiềm chế phát triển.

Theo AP, kỳ bầu cử này có quy mô nhỏ nhưng rất quan trọng về mặt biểu tượng vì nhiều khả năng bà Aung San Suu Kyi sẽ chiến thắng và nếu đảng của bà tiếp tục tranh cử Quốc hội năm 2015 thì có thể tạo đòn bẫy để bà ứng cử tổng thống trong năm 2015.

Phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Aung San Suu Kyi đề cập đến các mục tiêu ưu tiên gồm bảo vệ tự do ngôn luận; tôn trọng nhân quyền; tôn trọng luật pháp; cải thiện quan hệ với các cộng đồng thiểu số; phát triển giáo dục, y tế, cơ hội nghề nghiệp, nông nghiệp và nâng cao mức sống người dân.

Trên hết, bà mong muốn sửa đổi hiến pháp năm 2008 vốn quy định nhiều quyền lực hơn cho quân đội (trong tình huống khẩn cấp, quân đội có quyền chỉ định nội các).

Báo Times of India (Ấn Độ) dự báo kỳ bầu cử này ở Myanmar sẽ không thể làm thay đổi cán cân quyền lực.

Báo Mainichi (Nhật) ngày 30-3 đưa tin ông Derek Mitchell, đại diện đặc biệt và điều phối viên chính sách của Mỹ với Myanmar, cho biết Mỹ đã có kế hoạch giảm trừng phạt Myanmar từng bước tùy theo tiến trình cải cách của Myanmar. Ông nói kỳ bầu cử Quốc hội bổ sung ở Myanmar diễn ra công bằng sẽ là một yếu tố để Mỹ xét giảm trừng phạt.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm