Năm 2018, TP.HCM tập trung tạo đột phá

Sáng 23-2, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị cán bộ TP quán triệt nghị quyết của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội (QH) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với sự tham dự của gần 1.200 đại biểu, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao trung ương nghỉ hưu trên địa bàn TP. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Tạo đột phá khâu sử dụng cán bộ

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã triển khai, quán triệt Kết luận 21 ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 ngày 24-11-2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo ông Nhân, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện về mọi mặt nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá phát huy tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển của TP.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM có bảy lợi thế để phát triển, cụ thể như cơ cấu kinh tế hiện đại, lao động quy mô lớn và chất lượng cao, doanh nghiệp chiếm hơn 1/3 số doanh nghiệp của cả nước, vai trò kinh tế tư nhân tương đối lớn, năng suất lao động cao nhất cả nước. Đồng thời TP.HCM là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước và là TP có truyền thống sáng tạo.

“Nhưng TP.HCM đang đối diện với nhiều thách thức: Hạ tầng TP không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của TP; ngập nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; tỉ trọng đầu tư nước ngoài so với cả nước giảm; tỉ lệ sinh thấp; số người nghiện ma túy gia tăng...” - ông Nhân nói và cho rằng các thách thức này đặt ra yêu cầu TP cần có cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết 54 của QH được ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ các thách thức, khó khăn này để TP phát triển nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) đang trao đổi với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh:  TÁ LÂM

Trong năm nay, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM sẽ tập trung thực hiện bảy chương trình đột phá của TP cùng với Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

“Đột phá về thể chế sẽ dẫn tới tạo đột phá về phương thức và huy động các nguồn lực để TP phát triển. Để làm được điều đó, TP phải có đột phá trong công tác quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ. Cùng với đó, công tác truyền thông phải đồng bộ, tạo được sự tự tin về sáng tạo, khả năng đóng góp của TP đối với cả nước” - ông Nhân nói.

Tăng hiệu quả sử dụng đất, thận trọng khi tăng phí

Về kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết 54 của UBND TP.HCM do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong quán triệt, trong lĩnh vực tài chính và ngân sách đáng chú ý có đề án phối hợp với bộ, ngành trung ương thực hiện rà soát, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý ở TP.HCM.

“Về vấn đề này, hiện nay chúng ta sử dụng lãng phí và rất kém hiệu quả. Hiện có khoảng 2.000 địa chỉ với diện tích 95.000 m2 thuộc cơ quan trung ương quản lý, cho thuê hay phát huy không đúng mục đích sử dụng... Sắp tới, TP sẽ có đề án báo cáo và chủ động đề xuất với trung ương, Chính phủ giải quyết vấn đề này” - ông Phong nói.

Xây dựng TP.HCM thành đô thị hiện đại, thông minh

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, sắp tới TP.HCM định hướng hình thành vùng trung tâm của TP để đi đầu công nghiệp 4.0 có tương tác tốt hơn về nghiên cứu trí tuệ, ứng dụng công nghệ cao, đô thị hiện đại, trung tâm tài chính. 

Một đề án nữa mà ông Phong nêu ra là đề án thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Trước mắt sẽ tính toán một, hai loại phí trình trong năm 2018 như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí về môi trường.

Theo ông Phong, hiện UBND TP đang nghiên cứu và sẽ trình nội dung trên tại phiên họp HĐND TP.HCM vào tháng 3-2018. “Cũng có nhiều ý kiến quan ngại việc tăng những loại phí này sẽ tác động đến môi trường đầu tư, đến công tác quản lý, tôi xin được nói rõ sẽ làm hết sức cẩn trọng, lấy ý kiến phản biện xã hội, chuyên gia, đánh giá tác động, hiệu quả quản lý chứ việc ban hành không nhằm vào thu ngân sách đâu” - ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết thêm TP.HCM sẽ đề xuất tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TP.HCM có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Lý giải về đề xuất này, ông Phong cho rằng trong Nghị quyết 16 xác định rõ giữ nguyên tỉ lệ phân chia ngân sách đối với TP.HCM với trung ương là 23% nhưng sau đó Chính phủ trình QH kéo giảm tỉ lệ này xuống còn 18%. Tuy nhiên, đến nay chưa có câu trả lời nào đủ cơ sở lý giải việc kéo giảm tỉ lệ này.

“Cho nên vừa qua, khi báo cáo với Thường vụ QH, TP.HCM cũng trình bày suy nghĩ này và sắp tới TP sẽ chủ động đề xuất với trung ương, QH một mức tỉ lệ ngân sách nào đó. Tất nhiên từ đây đến cuối nhiệm kỳ năm 2021 vẫn phải giữ đúng tỉ lệ vì QH đã quyết thì không điều chỉnh được” - ông Phong nói.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đã triển khai, quán triệt Nghị quyết 08 ngày 6-12-2017 của Thành ủy và Kế hoạch 171 ngày 28-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 54 của QH.

Hội nghị cũng được nghe Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm triển khai, quán triệt Nghị quyết 25 của HĐND TP về triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm