Năm 2022, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 3.900 USD

Chiều 12-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Đối với Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022: Có 472 đại biểu (ĐB) tham gia biểu quyết, trong đó có 472 ĐB tán thành (bằng 94,59% tổng số ĐBQH).

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: QH

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6%-6,5%

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước…

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2022 đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6%-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%…

Trước khi QH bấm nút thông qua, một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% khó hoàn thành, nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%-5,5%.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, chỉ tiêu trên đã phân tích, dự báo và tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Điều này cũng đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Nghị quyết yêu cầu tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định).

Biện pháp là đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017- 2020 (hoàn thành một số dự án thành phần: Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - quốc lộ 45); dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Khẩn trương triển khai các dự án hạ tầng nền tảng số quốc gia dùng chung. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin mở rộng đầu tư nội dung số trong các ngành công nghiệp và dịch vụ như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp an toàn, an ninh mạng. Đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị các khu kinh tế ven biển. Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi, cảng cá, trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão; các dự án chống sạt lở thích ứng biến đổi khí hậu…

Kinh tế tư nhân đóng góp 55% GDP quốc gia

Cũng trong chiều cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó việc cơ cấu lại nền kinh tế sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, ổn định, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Nghị quyết giao các chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân năm năm khoảng 32%-34% GDP…

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5-10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế; kinh tế số chiếm 20% GDP…

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện, hoàn thành trước tháng 4-2022; báo cáo QH kết quả thực hiện nghị quyết trong báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; báo cáo QH kết quả thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2023 và cả nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2025.

 

Hôm nay kỳ họp bế mạc

Chiều 12-11, với đa số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Sau đó, QH cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sáng nay (13-11), kỳ họp thứ hai QH sẽ chính thức bế mạc.

Tại buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp này, QH sẽ biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết gồm: Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm năm (2021-2025); Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; Nghị quyết về hoạt động chất vấn; Nghị quyết kỳ họp thứ hai QH khóa XV…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm