Năm 2030, TP.HCM xử lý nước thải 100% trước khi xả ra môi trường

Tháng 6-2021, UBND TP.HCM đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025. Theo đó, từ năm 2022, các hộ thoát nước xả thải ra môi trường đều phải đóng phí dịch vụ thoát nước và giá dịch vụ thoát nước sẽ tăng 15% vào năm 2022 và 30% vào năm 2025. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ thu phí dịch vụ này dựa trên hóa đơn tiền nước.

Theo quy hoạch đến năm 2025, TP sẽ xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Trong ảnh: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Ảnh: CTV

Phân vùng thoát nước thải

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP đang triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 - Quy hoạch hệ thống thoát nước thải. Tiêu chuẩn thải nước sẽ lấy theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng.

TP.HCM sẽ sử dụng hệ thống cống chung cho khu vực nội thành hiện hữu (kết hợp sử dụng giếng tách dòng và hệ thống cống bao để tách và thu gom nước thải) và hệ thống thoát nước riêng cho các khu đô thị mới. Các khu vực nằm trong lưu vực thoát nước thải là khu vực nội thành và các khu đô thị mới với mật độ dân số cao (≥ 200 người/ha). Khu vực có mật độ dân số thấp (< 200 người/ha) sẽ phát triển hệ thống thu gom và XLNT theo từng cụm dân cư nhỏ.

Nước thải sinh hoạt sau xử lý phải đạt theo quy chuẩn quy định. Nước thải sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp, hộ gia đình xen cài trong khu dân cư phải đạt chất lượng cột A giá trị C theo quy chuẩn quy định trước khi xả vào hệ thống cống để đưa đi xử lý chung với nước thải sinh hoạt.

Đối với nước thải công nghiệp sẽ không đưa về các nhà máy XLNT sinh hoạt mà phải được xử lý riêng trong từng khu công nghiệp và phải đạt chất lượng theo quy chuẩn trước khi thải ra kênh rạch hoặc cống thoát nước mưa.

Ngoài ra, TP cũng sẽ tiến hành phân vùng thoát nước thải như khu vực có mật độ dân cư tập trung cao bao gồm khu nội thành hiện hữu và khu nội thành phát triển. Các khu đô thị mới sẽ phân chia thành 12 lưu vực thoát nước thải.

Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải

Về lộ trình xây dựng nhà máy XLNT, Sở Xây dựng cho biết nguồn thu từ giá dịch vụ xử lý thoát nước và xử lý nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ thu hộ. Phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lý khác theo quy định.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống thoát nước và nước thải rất khó và đắt, chi phí vận hành bảo dưỡng hệ thống cũng rất cao nên việc tăng giá dịch vụ xử lý thoát nước sẽ từng bước giúp giảm ngân sách của TP. Đồng thời bù cho công tác vận hành bảo dưỡng, góp phần đảm bảo bền vững đầu tư, thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội.

Theo Sở Xây dựng, đối với quy hoạch nhà máy XLNT tập trung, TP đã và đang tiếp tục kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo quy hoạch đến năm 2025, TP sẽ xây dựng 12 nhà máy XLNT sinh hoạt nhằm xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày của đô thị. Hiện nay do thiếu nguồn vốn nên TP đã tích cực tranh thủ nguồn vốn ODA của các tổ chức JICA, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và XLNT bên cạnh thực hiện mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo tiến độ dự kiến đến năm 2030, toàn bộ nước thải đô thị sẽ được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.•

Mới xử lý được 10% nguồn nước thải 

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện tại tất cả khu công nghiệp ở TP.HCM được báo cáo là có các nhà máy XLNT tập trung có thể xử lý khoảng 240.000 m3/ngày. Tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP hiện được xử lý chỉ dưới 10%. TP.HCM đang tích cực khai thác các cơ hội để mở rộng mạng lưới hiện có và nâng tỉ lệ XLNT đến 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

 

Người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm xử lý chất ô nhiễm

Sở Xây dựng nhận định lộ trình đề xuất thu giá thoát nước căn bản tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc thu giá đáp ứng chi phí cho hoạt động quản lý vận hành, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải, bùn thải trong giai đoạn tiếp theo cũng là vấn đề hết sức cấp thiết để giảm mức bao cấp từ ngân sách TP.

Đồng thời việc này cũng để đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA và PPP, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư bằng hình thức PPP. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm