Nan giải bài toán xử lý nước thải đô thị ở Bình Định

(PLO)- Tỉnh Bình Định đang tìm giải pháp để nâng cao tỉ lệ thu gom, xử lý nước thải ở các đô thị lớn trên địa bàn.

Mới đây trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho hay, dù tốc độ đô thị hóa của tỉnh tăng nhanh nhưng tỉ lệ nước thải được thu gom, xử lý đạt chuẩn chỉ mới đạt 25%. Điều này dẫn tới tình trạng nước thải chưa được xử lý hoặc mới chỉ mới xử lý sơ bộ thải ra môi trường, tăng nguy cơ ô nhiễm.

Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình được đầu tư nâng công suất lên 2.800m3/ngày đêm. Ảnh: THU DỊU

Hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ phát triển

Địa phương thiếu hệ thống xử lý nước thải nên phần lớn người dân ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định xử lý nước thải hàng ngày theo kiểu "tự biên tự diễn". Một số hộ dân có điều kiện xây dựng hầm rút loại lớn, có hộ tận dụng diện tích vườn lớn để xử lý nhưng phần nhiều xả trực tiếp ra môi trường.

Hạ tầng chưa được kết nối đồng bộ, nhiều khu dân cư vẫn chưa thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bài bản. Ảnh: THU DỊU

Ghi nhận ở thị xã An Nhơn, dù theo lộ trình địa phương này sẽ phấn đấu lên thành phố trong năm 2025 nhưng đến nay An Nhơn vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

“Thị xã chưa có hệ thống đấu nối xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, do vậy gia đình tôi xây dựng hầm rút để giải quyết vấn đề này. Mình ở khu dân cư đông đúc, không thể nhà nào cũng xả thải ra ngoài đường, lâu ngày dễ sinh ô nhiễm” - chị Nguyễn Ngọc Mai (ngụ phường Bình Định, thị xã An Nhơn) nói.

Tượng tự, trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn hiện mới chỉ có các khu dân cư mới xây dựng có khu xử lý nước thải riêng. Hầu hết người dân vẫn phải xử lý thủ công bằng nhiều cách khác nhau.

Sở Xây dựng tỉnh Bình Định thông tin, toàn tỉnh có 20 đô thị và mới chỉ có TP Quy Nhơn là đô thị loại I có hai nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải sinh hoạt tại các đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 61.525 m3/ngày đêm. Do chưa có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỉ lệ nước thải được thu gom, xử lý toàn tỉnh chỉ đạt gần 25%.

Ngay cả TP Quy Nhơn, dù đã có hai nhà máy xử lý nước thải là 2A và Nhơn Bình vận hành nhưng tỉ lệ nước thải thu gom để xử lý vẫn chỉ ở mức khoảng 38%. Số hộ dân được đấu nối hệ thống thu gom nước thải vào hệ thống chung trên địa bàn TP chỉ ở mức khoảng 60%.

Hệ thống lọc xử lý nước thải bằng vi sinh trước khi đưa xuống bể lắng lọc. Ảnh: THU DỊU

Bà Đinh Thị Hồng Điều, Phó Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn, chia sẻ dù hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải của TP đã được đầu tư cơ bản, tuy nhiên còn khoảng 40% số hộ dân ở các phường vùng ven như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú chưa được đấu nối. Lý do là những khu vực, hệ thống mạng lưới cấp 3 chưa được “phủ” đều.

Ở khu đô thị mới, khu tái định cư mới có hệ thống xử lý riêng. Còn những khu dân cư cũ, vì hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đấu nối được vào hệ thống chung nên người dân vẫn tự xử lý bằng nhiều cách khác nhau.

Ông Võ Hữu Thiện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định

Giải bài toán xử lý nước thải ở đô thị

Trao đổi với PLO, ông Võ Hữu Thiện - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết với thực trạng hiện nay, để đáp ứng mức tối thiểu về tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo Nghị quyết 26/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một thách thức.

Một góc đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn nước thải sinh hoạt đổ ra đường. Ảnh: THU DỊU

Phân tích cụ thể, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định nêu rõ: "Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung lớn, đòi hỏi có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật của các đô thị.

Hạ tầng xử lý nước thải đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ từ nhà máy tới mạng lưới thu gom từ nhà dân. Muốn đầu tư hạ tầng đồng bộ thì nguồn lực phải rất lớn, trong khi các địa phương đều khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của tỉnh.

Thêm vào đó, khi hạ tầng hoàn thiện cần tuyên truyền để người dân thực hiện đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải cũng là một vấn đề khó. Việc này không giải quyết được trong một sớm, một chiều.

Hệ thống tự động vận hành thu gom, xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình. Ảnh: THU DỊU

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Thiện đánh giá giải quyết vấn đề xử lý nước thải ở các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh cần phải có lộ trình. Trong 20 đô thị của tỉnh, TP Quy Nhơn về cơ bản đã có nhà máy với công suất đáp ứng được yêu cầu.

Việc ưu tiên lúc này là TP Quy Nhơn phải đầu tư mở rộng mạng cấp 3 để tăng tỉ lệ đấu nối từ nhà dân ra tới khu tập trung. Với các đô thị đang phát triển như An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn… tỉnh đang kêu gọi, tìm kiếm nguồn lực để đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Sở Xây dựng phối hợp với hai nghiệp đoàn của Pháp thông qua Chương trình hợp tác Việt-Pháp khảo sát, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại địa bàn thị xã An Nhơn giai đoạn 2025-2030. Phấn đấu đến năm 2025 dự án này được đưa vào vận hành, xử lý nước thải ở năm phường đầu tiên của địa phương. Theo kế hoạch, đến năm 2030 tỉ lệ xử lý nước thải trên địa bàn An Nhơn sẽ đạt 30%.

Bổ sung thêm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn cho biết đầu tư hạ tầng mà cụ thể là hệ thống mạng lưới cấp 3 cần nguồn vốn lớn. Từ năm 2022, TP Quy Nhơn đã đầu tư 30 tỉ đồng để xây dựng mạng lưới này, đồng thời tiếp tục tu sửa, bảo trì và cải tạo hệ thống đấu nối hiện có, giúp việc thu gom xử lý nước thải thuận lợi hơn.

"Sau khi nhà máy ở Nhơn Bình bàn giao đi vào hoạt động giai đoạn 2, chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới đấu nối ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú... tuyên truyền để người dân tham gia đấu nối vào hệ thống chung" - bà Đinh Thị Hồng Điều thông tin thêm.

Về phía địa phương, ông Bùi Văn Cư - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, cho biết đầu tư hệ thống xử lý nước thải là vấn đề cấp thiết. Trước mắt, thị xã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các phường, xã tuyên truyền người dân thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại gia đình hợp vệ sinh; xây dựng hệ thống hầm rút… Đối với các khu dân cư mới thì yêu cầu đầu tư hệ thống thu gom đạt chuẩn trong khu dân cư, xây dựng hệ thống đấu nối mạng lưới xử lý hợp quy chuẩn.

“Đồng thời, thị xã đang từng bước phối hợp trong khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp để phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 2025-2030”- ông Cư nói.

Theo ông Đinh Công Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án dân dụng - công nghiệp tỉnh Bình Định, thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án TP Quy Nhơn, tỉnh đã cho đầu tư xây dựng, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình từ 14.000 m3/ngày đêm lên 28.000 m3/ngày đêm. Đơn vị đang vận hành thử và từ tháng 7 này sẽ bàn giao cho TP Quy Nhơn quản lý, vận hành để thu gom xử lý nước thải trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới