Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ chú trọng xuất khẩu năng lượng sang châu Á nhằm đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh các nước châu Âu, phần lớn thành viên Liên minh châu Âu (EU), tăng trừng phạt mũi nhọn này của Nga, đài RT đưa tin. Theo nhà lãnh đạo Nga, hiện không có nguồn năng lượng thay thế hợp lý cho nguồn cung từ Nga ở châu Âu và động thái của EU là nguyên nhân gây bất ổn thị trường, đẩy giá năng lượng tăng cao.
Trước đó, giới chức EU hồi đầu tháng đã nhất trí cấm nhập khẩu than đá và thảo luận thêm về việc thực thi các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga. Khối này cũng đang nỗ lực tìm đến nguồn cung thay thế từ các quốc gia, đối tác có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ.
|
Một cơ sở khai thác và lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng tại vùng Siberia (Nga). Ảnh chụp hồi tháng 8-2021. Ảnh: AP |
Nguồn cung thu hẹp, Âu - Á buộc phải tranh giành
Tờ South China Morning Post cho biết ở thời điểm hiện tại chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là hai thành viên duy nhất thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)có đủ khả năng tăng nguồn cung cho khu vực châu Âu, song chính quyền hai nước đã từ chối đề nghị tăng mạnh sản lượng dầu bơm ra thị trường.
Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei nói rằng nước này từ lâu đã kêu gọi tăng cường đầu tư vào dầu khí để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, lời kêu gọi không được thực hiện vì các quốc gia và tổ chức quốc tế khác chịu sức ép cắt giảm ngân sách cho các loại nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Đơn cử, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa khuyến cáo các nhà đầu tư không cung cấp vốn cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch mới, nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải ròng xuống bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
“Thực trạng này đem lại những rủi ro khá lớn, khiến các quốc gia sản xuất dầu mỏ không thể tăng sản lượng, dù ai cũng nói rằng hãy bơm thêm dầu vào thị trường lúc này vì nhu cầu đột nhiên trở nên cao hơn” - ông Suhail al-Mazrouei giải thích.
Việc EU muốn dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga cũng làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc tranh giành năng lượng ở cấp toàn cầu, thứ vốn đang được các chuyên gia nhận định là khá nóng. Hãng tin Bloomberg dẫn thống kê của Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum cho hay châu Á đang là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc là những nước nhập khẩu một lượng lớn LNG hồi năm ngoái. Hàng loạt dự án mở rộng kho chứa LNG, nhà máy nhiệt điện khí và đường ống đang được thi công tại châu Á với tổng giá trị lên tới 350 tỉ USD - gấp ba lần mức đầu tư ở châu Âu.
Theo tờ The New York Times, giới chức châu Âu muốn bổ sung thêm 50 tỉ m3 LNG trong năm 2023, tức chiếm khoảng một nửa lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga mà khu vực này muốn cắt giảm. Lượng LNG đang được nhắm này được dự báo sẽ khiến nhu cầu toàn cầu tăng 10%, qua đó vô hình trung nổ ra một cuộc chiến giữa các quốc gia cần LNG.
Hai chuyên gia Brian Martin và Daniel Hynes thuộc tập đoàn ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) nhận định khi EU quay lưng với năng lượng Nga - nước chiếm khoảng 18% xuất khẩu năng lượng toàn cầu vào năm 2020 - đồng nghĩa đã tạo ra một lỗ hổng thị trường gần như không thể lấp đầy, gây ra tình trạng cạnh tranh nguồn cung ngày càng khốc liệt giữa châu Âu và châu Á - nơi có nhu cầu rất lớn. Còn chuyên gia Massimo Di Odoardo thuộc Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie (Anh) thì dự đoán rằng “trong ba năm tới, cạnh tranh đối với năng lượng, cụ thể là LNG, sẽ vô cùng khốc liệt, cả châu Âu và châu Á sẽ tranh giành nhau để kéo phần lợi về phía mình”.
Ba năm tới, cạnh tranh nguồn cung năng lượng, cụ thể là LNG, sẽ vô cùng khốc liệt với cả châu Âu và châu Á.
Xu hướng năng lượng mới ở châu Á
Sau khi Mỹ cam kết tăng nguồn cung khí đốt cho EU trong nỗ lực ứng phó với Nga, hiện các tàu LNG từ Mỹ được chuyển hướng tới châu Âu thay vì châu Á - nơi từng là điểm đến hàng đầu. Mỹ cũng đã phải thuyết phục các đồng minh châu Á - trong đó có Nhật - giảm mua để hỗ trợ các đồng minh châu Âu. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine kéo dài và thị trường ngày càng thắt chặt, đây là một lời đề nghị rất khó thực hiện và dễ khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên.
Theo giới chuyên gia, cạnh tranh năng lượng ngày càng gay gắt từ châu Âu sẽ tạo ra hai xu thế ở châu Á. Những nước phát triển như Nhật và Hàn Quốc có thể đẩy mạnh năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo để bù đắp nguồn cung, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan sẽ trì hoãn quá trình chuyển đổi sang LNG, tiếp tục sử dụng các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cao như than đá hoặc dầu.
Đối với các nước đang phát triển ở Nam Á, giá năng lượng cao đồng nghĩa chính phủ có thể phải cắt điện luân phiên hoặc cung cấp xăng dầu theo định mức cho các hộ gia đình. Các nhà máy nhiệt điện ở Pakistan đã cạn kiệt nhiên liệu và đang kêu gọi chính phủ cung cấp thêm. Trong trường hợp giá năng lượng tiếp tục tăng, tình trạng thiếu nhiên liệu có nguy cơ lan sang Bangladesh, Ấn Độ và Thái Lan.
“Chúng ta cần can đảm nói với người tiêu dùng rằng hóa đơn năng lượng của họ sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong tương lai nếu chúng ta không có động thái nào” - Bộ trưởng Năng lượng UAE al-Mazrouei cảnh báo - “Đó là vấn đề rất lớn, bởi khi đáp ứng nhu cầu của bên này, chúng tôi sẽ phải tước đi nguồn cung cho bên kia, làm phức tạp thêm những rắc rối địa chính trị hiện nay”.•
Nga đang lên kế hoạch xây dựng các cơ sở lưu trữ dầu để nâng cao năng lực dự trữ dầu mỏ và phục vụ việc xuất khẩu năng lượng sang các thị trường khác ngoài châu Âu. Các cơ sở này dự kiến chứa được 100 triệu tấn dầu, tương đương 700 triệu thùng, Reuters dẫn thông tin từ nguồn tin quan chức Nga ngày 19-4.
Vẫn còn nhiều niềm tin vào kinh tế châu Á
Trả lời phỏng vấn của South China Morning Post, Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered (Anh) Jose Vinals nhận định giá một loạt mặt hàng, trong đó có dầu khí, lúa mì, nhôm..., đã tăng đáng kể sau khi xảy ra giao tranh giữa Nga và Ukraine. Nhiều nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan cuộc khủng hoảng này và việc hàng trăm nhà tài phiệt lẫn doanh nghiệp Nga bị trừng phạt.
Standard Chartered dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, ông Vinals cho rằng nếu Nga - Ukraine không đạt thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống dưới 3%. Châu Âu sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Triển vọng tăng trưởng kinh tế các khu vực khác có vẻ tích cực hơn. Châu Á vẫn có vị thế tốt để chống chọi tác động của tình trạng giá năng lượng và hàng hóa tăng mạnh. Ngoài những bất ổn trong ngắn hạn, châu Á vẫn sẽ là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới trong trung và dài hạn.