Tăng tỉ lệ ủng hộ
Một là sự xuất hiện trở lại của con người năng nổ với tư cách nhà hoạt động và cũng là Bộ trưởng Y tế thời thập niên 1990 - người đã dũng cảm phanh phui vai trò của chính bộ mình trong vụ bê bối máu nhiễm AIDS gây chấn động dư luận. Còn con người kia là vị thủ tướng năm nay 64 tuổi, nhưng vẫn bị cho là ít gây được ấn tượng bởi vị thế lãnh đạo của ông đang lung lay, khiến tỉ lệ ủng hộ sụt xuống còn chưa đầy 20%.
Thảm họa động đất và sóng thần, theo giới phân tích, cũng có phần xóa bớt đi hình ảnh đó của Thủ tướng Kan, nhưng mặt khác cũng có thể tạo ra thế một mất một còn cho chính ông và chính phủ của mình.
Thủ tướng Naoto Kan thị sát bằng trực thăng quân sự khu vực bị động đất tàn phá
Tuy chưa có cuộc thăm dò nào lớn được thực thi sau thảm họa động đất mạnh tới 9 độ richter gây ra sóng thần khủng khiếp hôm 11/3/2011, nhưng theo hãng tin Kyodo, 24 giờ sau đó tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với Thủ tướng Kan đã tăng nhẹ 1,1% sau quá trình liên tục sụt giảm trước đó. Đồng thời tỉ lệ phản đối ông Kan cũng đã giảm 0,8% xuống còn 62,9%.
Cũng 24 giờ sau thảm họa, tần suất xuất hiện của Thủ tướng Kan trên truyền hình tăng lên nhanh chóng, với các thông báo về các nỗ lực cứu hộ và những phát biểu trấn an dân chúng.
Sáng 12/3/2011, ông Kan còn đi máy bay trực thăng thị sát tỉnh Fukushima, nơi xảy ra vụ nổ tại một nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời thị sát những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau khi đích thân thành lập một lực lượng đặc nhiệm phối hợp với Công ty Điện lực Tokyo để đối phó với việc các thanh nhiên liệu hạt nhân tại nhà máy điện tại tỉnh Fukushima bị quá nóng, sáng 15/3/2011 Thủ tướng Kan tuyên bố đứng đầu nhóm đặc nhiệm này, và ông đã lập tức trực tiếp làm việc với lực lượng đặc nhiệm trước khi trở lại văn phòng để dự họp nội các.
Thời cơ và thách thức
Có thể nói những phản ứng mau lẹ của Thủ tướng Kan trước thảm hoạ động đất và sóng thần đã cho thấy sự lóe sáng của niềm say mê mà ông từng chứng tỏ trước đây, thay vì hình ảnh một vị thủ tướng có phần hơi kín kẽ và không mấy linh hoạt trong xử trí nhiều vấn đề đã trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản thời gian qua.
Cùng với các chuyến thị sát trực tiếp những vùng bị thảm họa, các cuộc họp lúc nửa đêm với báo chí, còn có những hành động quả quyết được cho là đánh dấu sự khởi đầu cho vị thế lãnh đạo của con người tuy mới nhưng thực ra là cũ của ông Kan.
Thủ tướng Kan nhanh chóng huy động quân đội hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ. Ông mở cửa cho sự hỗ trợ từ nước ngoài bao gồm cả từ Hàn Quốc, Trung Quốc… Ông còn đưa phát ngôn viên hàng đầu của mình ra trực tiếp giải đáp với báo chí 24/24 giờ về tình hình phức tạp sau sự cố rò rỉ phóng xạ…
“Điều chúng ta thấy rõ là phong cách mới trong việc xử trí với khủng hoảng của Nhật”, ông Thomas Berger - chuyên gia về Nhật Bản của Đại học Boston - nói. Ông Berger từng có mặt tại Kobe ngay trước động đất tại Kobe năm 1995 và cho rằng sự tương phản trong cách xử trí giữa giới lãnh đạo thời đó với bây giờ là rất lớn.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng: điều khá rõ ràng là cách phản ứng với thảm họa của ông Kan đồng thời cũng ẩn chứa cả nguy cơ bên cạnh khả năng tạo nên thời cơ cho chính ông và chính phủ của mình. Nếu nhanh chóng triển khai tốt việc cung cấp đồ cứu trợ tới những vùng bị động đất và sóng thần, đồng thời kiểm soát được nguy cơ về phóng xạ, Thủ tướng Kan có thể được ngợi ca như một anh hùng. Nhưng sự táo bạo của ông cũng có thể bị trả giá nhanh chóng ngay khi có dấu hiện thất bại đầu tiên, bởi các đối thủ chính trị của ông đang chờ bất kỳ cơ hội nào để giáng đòn.
Xuất thân từ một gia đình không có nguồn gốc chính trị, ông Kan được coi là đã tạo ra được sự khác biệt so với nhiều thủ tướng tiền nhiệm của Nhật Bản. Phát biểu sau khi đắc cử Thủ tướng hồi tháng 6/2010, ông Kan nêu rõ: “Tôi lớn lên trong một gia đình làm công ăn lương tiêu biểu của Nhật Bản. Tôi không có những kết nối đặc biệt. Việc tôi nắm giữ một vai trò quan trọng ở Nhật Bản với xuất xứ bình thường là dấu hiệu tích cực cho chính trị Nhật Bản”.
Theo Linh Quyên (Lao Động/AP)