NATO 'nên giúp đỡ các nước lân cận với Trung Quốc'

Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nêu ý kiến trên tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Bắc Cực và Quỹ Marshall Đức của Mỹ tổ chức vào ngày 8-6.

“Sức mạnh quân sự chỉ là một phần của câu trả lời. Chúng ta còn cần phải sử dụng NATO theo cách mang tính chính trị cao hơn”, trang tin Defense News dẫn lời ông Stoltenberg phát biểu.

Ông cho rằng các thành viên NATO nên có cách tiếp cận mang tính chất toàn cầu đối với các vấn đề an ninh, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ theo định hình hoạt động lâu nay của khối này. “Đây không phải là sự hiện diện toàn cầu mà cách tiếp cận toàn cầu”, Tổng Thư ký NATO khẳng định.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa). Ảnh: AFP

Ông Stoltenberg cho rằng nhìn về năm 2030, các thành viên NATO cần làm việc chặt chẽ hơn với các quốc gia có cùng tư duy tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Tổng Thư ký NATO cho biết nỗ lực này nhằm bảo vệ các luật lệ, thể chế toàn cầu vốn đã giữ cho các nước được an toàn trong nhiều thập niên, xác lập những quy tắc, tiêu chuẩn trong không gian và không gian mạng, về công nghệ mới và kiểm soát vũ khí toàn cầu, và sau cùng là ủng hộ một thế giới “được xây dựng trên nền tảng tự do và dân chủ chứ không phải bắt nạt và cưỡng ép”.

Theo Defense News, những phát ngôn này được giới phân tích phương Tây coi là một sự mô tả kín kẽ về chính sách Trung Quốc chèn ép các nước yếu hơn thông qua áp lực kinh tế và ngoại giao.

Ông Stoltenberg nói rằng việc Trung Quốc mạnh hơn về quân sự và kinh tế cho thấy “sự chuyển dịch cơ bản” trong cán cân quyền lực toàn cầu và các nước phương Tây không nên bị đặt vào tình thế bất ngờ và không thuận lợi.

Tổng Thư ký NATO lưu ý thêm rằng khi khối này nhóm họp ở London (Anh) vào tháng 12 tới, các nước thành viên sẽ phải “lần đầu tiên trong lịch sử NATO xem xét  những hậu quả về an ninh từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”, theo tờ Newsweek.

Phát biểu của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump, người đã chỉ trích các thành viên NATO vì đã không chi tiêu đủ cho quân đội của họ, thúc đẩy một cách tiếp cận toàn cầu cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới