Nên cho xe khách đưa người dân từ TP.HCM về quê

Trước tình trạng người dân tự ý về quê bằng xe máy gây mất an ninh trật tự giao thông, không đảm bảo phòng chống dịch, UBND TP đã có văn bản gửi các tỉnh, thành để phối hợp chặt chẽ việc đưa người dân có nguyện vọng về quê.

Theo đó, UBND TP đề nghị người dân chỉ được về khi tỉnh đồng ý và lập các đoàn bằng các phương tiện như tàu hỏa, máy bay và ô tô. Tuy nhiên, tình trạng người dân tìm đủ mọi cách thuê ô tô dịch vụ để về quê vẫn diễn ra.

Vừa qua, Bến xe Miền Tây phối hợp với các cơ quan chức năng thí điểm đưa người dân về Bến Tre. Ảnh: THU TRINH

Thuê xe về tới quê mới trả tiền

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội truyền nhau thông tin có dịch vụ cho thuê xe đưa người dân từ TP.HCM về quê. Các chủ xe này cam kết khi về được đến địa phương mới thu tiền.

Liên hệ với một số điện thoại quảng cáo trên trang mạng xã hội, giọng một người đàn ông cho biết xe bảy chỗ đi sáu người thì giá 22 triệu đồng. Người này khẳng định: “Việc đi qua các chốt anh sẽ lo, các em chỉ cần có giấy xét nghiệm và về đến quê anh mới thu tiền”.

Theo người này thì họ đã hoàn thành vận chuyển ba chuyến xe từ TP.HCM về đến Hà Tĩnh.

Tương tự, liên hệ với một số điện thoại khác quảng cáo có xe 45 chỗ ngồi, người này cho biết xe chỉ chở 24 người với giá 46 triệu đồng (đã giảm giá 1 triệu đồng).

“Em cứ hỏi y tế địa phương tiếp nhận được hay không, nếu đồng ý thì đi xét nghiệm COVID-19 và lấy giấy, sau đó nhà xe sẽ đến đón và đưa về tận quê” - người này hướng dẫn.

Đề cập đến hiện tượng xe chạy dịch vụ trên, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin: Hiện nay, Sở GTVT không cấp phép cũng như không có văn bản trao đổi và cho thực hiện các chuyến xe dịch vụ như trên. Sở chỉ phối hợp và cấp phép đối với trường hợp được UBND tỉnh bạn đồng ý tiếp nhận người có nhu cầu cấp thiết về quê.

Nói về việc kiểm soát xe tự thuê “chui” qua các cửa ngõ, ông Hưng cho biết: “Thanh tra sở là một đơn vị phối hợp trong việc kiểm tra, ngoài ra còn có CSGT phối hợp tại các chốt giao thông; có lực lượng tuần tra của đơn vị công an, UBND quận, huyện TP… Những trường hợp tự ý đưa người về quê là không được phép hoạt động. Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý” - ông Hưng nói.

Ủng hộ cho xe khách hoạt động

Trước tình trạng người dân thuê xe dịch vụ “chui” để về quê, một số ý kiến cho rằng nên cho xe khách hoạt động trở lại để vận chuyển người về quê. Từ đó tránh được tình trạng người dân bất chấp về quê bằng mọi cách, đồng thời đảm bảo kiểm soát và phòng dịch một cách chặt chẽ hơn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nhận định nhu cầu vận chuyển người từ TP.HCM về các tỉnh là rất chính đáng. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép khi vừa hỗ trợ người dân không có công ăn việc làm, vừa bớt gánh nặng cho TP, cũng như tránh được tình trạng người dân tìm mọi cách để về quê.

“Tôi ủng hộ nhu cầu vận chuyển bằng xe khách giống như một số tỉnh đang làm thông qua hội đồng hương hoặc chính quyền địa phương, như vậy sẽ đảm bảo người dân về sẽ cách ly tập trung” - ông Tính cho hay.

Ông Tính cho biết thêm, hiện nay phương tiện vận tải đang dư thừa, nếu TP đồng ý cấp phép cho xe khách được hoạt động dựa trên hình thức đảm bảo các biện pháp chống dịch thì sẽ có nhiều đơn vị đăng ký. Cạnh đó, xe vận tải hành khách được sự đồng ý của TP.HCM và của địa phương đón người dân về sẽ đảm bảo tính dân chủ và tuân thủ được nguyên tắc chống dịch.

Khảo sát của PV cho thấy các đơn vị đều đồng tình việc thay vì cho xe nằm bãi thì TP nên đồng ý cho hoạt động trở lại, các đơn vị luôn sẵn sàng nguồn nhân lực để vận hành.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thành Công, chia sẻ: “Nếu được Nhà nước đồng ý thì công ty chúng tôi sẽ hoạt động trở lại để hỗ trợ người dân về quê. Ngoài ra, các đơn vị cũng mong muốn được phục hồi ngành vận tải hành khách”.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải (TP.HCM đi Kon Tum) cũng cho rằng: Trong trường hợp Nhà nước cho cơ số xe khách hoạt động để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân về quê thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ hết mình.

“Còn trường hợp Sở GTVT TP.HCM chỉ định xe khách của doanh nghiệp thì đơn vị sẽ cố gắng sắp xếp chạy để đưa người dân về quê an toàn. Nếu được chỉ định, chúng tôi sẽ không thu phí để hỗ trợ người dân đang gặp rất nhiều khó khăn” - vị đại diện nói.•

Việc đưa người dân về quê là cách làm thực hiện theo chủ trương của UBND TP, quy trình và thủ tục tất cả đều làm online. Khi có văn bản của Sở GTVT tỉnh cần đưa người dân về thì trong vòng 30 phút sau, phía TP.HCM sẽ có văn bản hồi đáp ngay.

Về số lượng xe, do tỉnh bạn phối hợp tổ chức, phải có xe, đầu mối…, đặc biệt là lực lượng tiếp đón khi người dân về. Vì khi người dân về tới, tỉnh bạn phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như kiểm tra, xét nghiệm, cách ly tập trung… Đây là những bước cực kỳ quan trọng trong công tác phòng dịch.

Ông VÕ KHÁNH HƯNGPhó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM 

 

Cần có kế hoạch chặt chẽ

Nói đến phương án cho xe khách hoạt động trở lại để đưa người dân về quê, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, TP và các tỉnh muốn đưa người dân về phải có sự đồng thuận. Đồng thời lực lượng hai tỉnh cần có sự kiểm soát chặt chẽ về số lượng người dân, về y tế, nơi cách ly tập trung…”.

Theo ông Phương, dịch bệnh phức tạp như vậy, việc người dân tự ý đi về thì hoàn toàn không kiểm soát được. Dưới sự quản lý của bến xe, của tỉnh thì mới đạt được mục tiêu là vừa đưa người dân về quê an toàn, vừa đảm bảo phòng dịch.

Đối với ý kiến các chuyến xe đưa người dân về quê theo hướng công tác từ thiện, hoặc xét vào cơ chế kinh doanh thì xe khách chỉ được hoạt động 50% sức chứa thì đơn vị vận tải hoàn toàn không có lợi nhuận, ông Phương cho rằng chủ trương của các tỉnh, TP.HCM và các đơn vị được tổ chức chặt chẽ thì bến xe hỗ trợ hết mình.

“Bến xe chủ yếu hỗ trợ mặt bằng, địa điểm, cử lực lượng hỗ trợ giữ an ninh trật tự... Đây cũng là đóng góp cho xã hội trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19” - ông Phương nói.

Ông Phương cho hay vừa qua, Bến xe Miền Tây cũng chung tay cùng TP.HCM, UBND tỉnh Bến Tre và Hội đồng hương tỉnh Bến Tre tổ chức thí điểm ba ngày đón người dân Bến Tre có nhu cầu về quê. Từ khâu lập kế hoạch, đưa thông tin, người dân đăng ký, liên hệ xe, bến xe và đơn vị test nhanh đều rõ ràng và chặt chẽ. Đến nay đã tổ chức thành công ba chuyến về quê với khoảng 900 người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm