Ngân hàng lo nghị quyết xử lý nợ sắp hết hiệu lực

Báo cáo tài chính quý III-2021 của 27 ngân hàng (NH) đang niêm yết trên thị trường chứng khoán công bố mới đây cho thấy số dư nợ xấu đã tăng lên 113.000 tỉ đồng vào cuối tháng 9, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm.

Các NH buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng như dành nguồn lực lớn để xử lý nợ xấu có thể hình thành trong tương lai. Tuy vậy, hiện nay việc xử lý nợ xấu đang gặp không ít vướng mắc.

Các ngân hàng cho biết đang gặp khó khăn vì không được công bố thông tin của khách hàng khi rao bán tài sản bảo đảm trên sàn mua bán nợ của VAMC. Ảnh minh họa: TL

Xử lý nợ xấu chuyển biến nhưng…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cho biết: Nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng của các NH. Nợ xấu tăng cao có thể dẫn đến tổ chức tín dụng bị thua lỗ, nếu không xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy cho cả NH và nền kinh tế.

Thời gian qua, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu; tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

“Từ năm 2017 trở về trước, việc xử lý nợ rất khó khăn. Tuy nhiên, tới khi có Nghị quyết 42, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến. Nhiều khách hàng trước đây chây ỳ, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản thì nay đã hợp tác với các tổ chức tín dụng để xử lý phát mại và thu hồi nợ” - ông Hùng nhận xét.

Bằng chứng là tính đến cuối tháng 8-2021, tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 424,1 ngàn tỉ đồng, trong đó đã xử lý được 364,1 ngàn tỉ đồng.

Tuy vậy, cùng với những kết quả đã đạt được, đại diện nhiều NH cho rằng việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp phải một số khó khăn. Đơn cử như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm...

Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Ban pháp chế thuộc NH BIDV, dẫn chứng: “Mặc dù Nghị quyết 42 có đề cập những tình huống tranh chấp mà tòa án có thể xử lý theo thủ tục rút gọn nhưng trên thực tế, tại BIDV chưa ghi nhận bất cứ vụ việc nào được tòa án giải quyết theo thủ tục này. Khó khăn thường xảy ra khi bên vay không hợp tác và khi đó dễ phát sinh nhiều tình tiết mới, dẫn đến không thể đáp ứng thủ tục rút gọn. Đây là nội dung cần bổ sung, sửa đổi”.

Gấp rút sửa đổi

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc NH Nhà nước, đánh giá Nghị quyết 42 được thực hiện thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài năm năm. Tính đến thời điểm này, nghị quyết này chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ hết hiệu lực.

Đáng lo ngại là khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết trên đang thực hiện sẽ chấm dứt. Điều này đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu của các NH sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, chứ không được ưu tiên áp dụng một số chính sách quy định tại nghị quyết trên.

“Việc nghị quyết hết hiệu lực thi hành sẽ tác động rất lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Chính vì vậy, NH Nhà nước đang khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để xin ý kiến các đơn vị liên quan. Việc hoàn thiện dự thảo luật mới đang được tiến hành gấp rút” - bà Lan cho hay.

Đặc biệt, theo bà Lan, để kịp thời gian ban hành luật mới trước thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, NH Nhà nước đang đề xuất phương án trình Quốc hội cho phép thực hiện xây dựng luật theo trình tự thủ tục rút gọn. Phương án 2 là kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 trong thời hạn ba năm. Trong thời gian đó, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng để bảo đảm tính ổn định của quy định pháp luật.

Đại diện một số NH đồng tình với quan điểm này và cho hay đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến nợ xấu tăng đột biến nên cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù như Nghị quyết 42 thì mới xử lý được.

Vì vậy cần tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 và chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung của nghị quyết này để phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn việc chế tài phải đủ mạnh và có sự đồng bộ, liên thông, thống nhất về cách xử lý giữa các ngành. Như vậy mới có thể hỗ trợ việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.•

Vướng mắc về công khai thông tin

Ông Vũ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng công nợ của NH Vietcombank, cho rằng một trong những giải pháp trọng tâm của NH Nhà nước để đẩy nhanh công tác xử lý nợ trong thời gian tới là đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ thông qua sàn giao dịch mua bán nợ VAMC. Tuy nhiên, việc này lại đang gặp trở ngại về công khai thông tin khoản nợ.

“Theo quy định hiện hành, NH không được công bố thông tin của khách hàng. Trong khi đó, NH muốn rao bán khoản nợ xấu trên sàn mua bán nợ thì phải công khai rất nhiều thông tin liên quan tới khoản nợ” - ông Phương nêu thực tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới