Ngành thép điêu đứng vì thiếu vốn

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho ngành thép do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/10, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) cho hay, tính chung 9 tháng, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn thép đạt trị giá 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, so với năm 2010 thì tổng tiêu thụ các mặt hàng thép trong năm nay ước tính giảm gần 10%.

Trong bối cảnh địa ốc đóng băng, đầu tư công vào các dự án cắt giảm thì ngành thép bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lãi suất vay cho vay lên tới 20% khiến nhiều doanh nghiệp không trụ được đã buộc phải giảm lượng sản xuất. Trong khi đó yếu tố đầu vào như giá phôi, thép phế liên tục giảm sút nên ngành thép buộc phải giảm giá bán từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tấn, điều này dẫn đến hàng loạt đơn vị bị lỗ.

Ngành thép điêu đứng vì thiếu vốn ảnh 1
Nhiều đơn vị phải dừng sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà
"Mặc dù chưa có doanh nghiệp nào công bố phá sản, nhưng thực tế đã có đơn vị không bán được hàng và dừng sản xuất. Thậm chí có những đơn vị trong cuộc họp đại hội cổ đông đã tuyên bố phải bán cơ sở", ông Cường cho hay. Công ty Thép Pomina một tháng chỉ làm 20 ngày. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, ngành thép có quy mô nhỏ bé, nhập khẩu 50% thép tiêu dùng. Hòa Phát là doanh nghiệp lớn thứ hai của Việt Nam nhưng cũng chỉ chạy chỉ chạy 80% công suất. Trong khi giá liên tục giảm thì doanh nghiệp lại phải cạnh tranh khốc liệt với thép ngoại. “Thép ngoại có thể tràn vào bất kể lúc nào đẩy các doanh nghiệp thép trong nước vào tình thế vô cùng khó khăn”, ông Dương lo ngại. Cùng chung quan điểm trên, ông Nghiêm Xuân Đa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép, cho hay, trong 10 tháng thép xây dựng sản xuất được 1,9 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, 50% đơn vị trong tổng công ty chỉ đạt 60% kế hoạch, nhiều đơn vị phải điều chỉnh lại kế hoạch đặt ra, và 3 đơn vị bị lỗ. Theo ông Đa, doanh nghiệp thép đang gặp khó khăn lớn về tín dụng và ngoại tệ. Dù ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất huy động, cho vay nhưng thực tế doanh nghiệp không thấy giảm, khả năng tiếp cận vốn vẫn rất hạn chế. "Ngân hàng chọn khách hàng mà cho vay và lãi suất lên tới trên 20% một năm, không có chuyện xuống 17-19% như công bố", ông Đa khẳng định. Ông Vũ Văn Chuyện, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương chia sẻ, phôi và thép phế nhập khẩu đến 60%- 70%. 9 tháng đầu năm, giá đầu vào tăng, tiêu thụ thép trong nước giảm do thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công, nên thép không nâng giá lên được. Chênh lệch tỷ giá cũng làm doanh nghiệp thép khó khăn hơn. Bản thân ông Chuyện đã từng trăn trở nhiều với vấn đề cân đối ngoại tệ. Tuy nhiên, trong Nghị định 108, chỉ có 3 đối tượng hưởng chính sách ưu đãi trong cân đối ngoại tệ là hạ tầng giao thông, môi trường và điện năng còn ngành thép không thuộc diện được ưu đãi ngoại tệ. "Bộ Công Thương đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước nhưng được trả lời, chính những đối tượng được ưu đãi cũng chưa được cân đối đủ. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng thương lượng tiếp với ngân hàng để tháo gỡ cho doanh nghiệp", ông Chuyện nói. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, Chính phủ, các bộ sẽ có trách nhiệm giúp tháo gỡ khó khăn về chính sách nhưng doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách đưa ra kế hoạch tiết giảm sản xuất sát với nhu cầu thị trường để giảm tồn kho. Đồng thời các doanh nghiệp thép nên tính đến hình thức liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất thép thành phẩm và làm nguyên liệu (luyện quặng) để chia sẻ khó khăn. Ngoài ra, Thứ trưởng Quang cũng đề nghị Vụ Xuất nhập khẩu chủ động phối hợp với VSA rà soát lại các mức thuế trên cơ sở phù hợp các cam kết quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các biện pháp để bảo vệ thị trường trong nước. Vụ Quản lý thị trường phải dự báo sớm được nhu cầu và các biến chuyển của thị trường để các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. "Doanh nghiệp phải chủ động đối phó chứ không thể trông chờ vào ai khác. Tôi tin, tương lai ngành thép vẫn sáng sủa chứ không phải quá đen tối vì nhu cầu của sản phẩm này trong quá trình phát triển đất nước còn rất lớn", ông Quang nói.
Theo Hoàng Lan ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm