Nghiệp đoàn nghề cá của ngư dân Lý Sơn

Ngày mai (15-9), tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn sẽ chính thức ra mắt với hàng trăm thành viên là các ngư dân trên đảo. Mô hình nghiệp đoàn nghề cá này do Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi phối hợp với Công đoàn Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Lý Sơn triển khai thí điểm ở xã An Hải với mục đích tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm bám biển lâu dài...

Hồ hởi vào nghiệp đoàn

Ông Nguyễn Dự, Bí thư Đảng ủy xã An Hải, cho biết khi người dân địa phương nghe đến việc thành lập nghiệp đoàn, ai nấy đều phấn khởi và rất hưởng ứng cách làm này. Ngư dân Lê Văn Thuận - chủ hai chiếc tàu cá công suất 134 CV ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết ông đã làm đơn xin tham gia nghiệp đoàn ngay khi nghe tin. Hai chiếc tàu cá của ông thường xuyên đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa nên ông cho rằng tham gia vào nghiệp đoàn là cơ hội để ông làm ăn có hiệu quả và bền vững hơn so với việc tự thân vận động như lâu nay.

“Tôi làm đơn xin vào nghiệp đoàn để đánh bắt thủy sản cho an toàn và bảo vệ tài sản của mình. Nếu vào đó mà nghiệp đoàn cho vay thêm thì tôi sẽ đóng tàu lớn hơn. Vào đó anh em cũng sẽ có sự đoàn kết gắn bó với nhau hơn khi đánh bắt trên biển. Ví dụ, tàu tôi gặp luồng cá thì tôi liên lạc với tàu khác cũng là đồng đội với nhau để tới khu đó cùng đánh bắt. Trường hợp có tàu ai đó bị sự cố trên biển thì mình cũng kịp thời ứng cứu, chia sẻ khó khăn hoạn nạn” - ông Thuận nói.

Từ trước đến nay, tại huyện đảo Lý Sơn, ngư dân thường đi đánh bắt theo kiểu riêng lẻ, khi tàu nào đó chẳng may bị nạn thì không biết trông cậy vào đâu nên việc đánh bắt luôn bấp bênh, may rủi. Toàn huyện đảo Lý Sơn có khoảng 400 tàu thuyền hoạt động, trong đó có hơn phân nửa tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Trong vòng năm năm trở lại đây, tại huyện đảo này có trên 70 tàu cá của ngư dân bị bắt, bị tàu lạ tấn công, bị thiên tai phá hoại, nhiều ngư dân phải bỏ mạng ngoài biển khơi.

Điển hình là ngư dân Mai Phụng Lưu (xã An Hải) - người được mệnh danh là “sói biển”, từng nhiều lần bị tàu Trung Quốc bắt giữ khiến gia đình ông sống dở chết dở. Ông bày tỏ: “Hình thành nghiệp đoàn nghề cá sẽ giúp ngư dân chúng tôi yên tâm hơn trong điều kiện bám biển ngày nay đang gặp nhiều khó khăn, gian truân và đầy rủi ro. Bởi lẽ khi ra khơi sẽ có nhiều anh em đi đánh bắt chung, cùng giúp đỡ nhau trên biển. Lúc ở đất liền thì có những tổ chức hẳn hoi đứng ra giúp đỡ ngư dân về mọi mặt…”.

Nghiệp đoàn nghề cá của ngư dân Lý Sơn ảnh 1

Tàu của ngư dân Lý Sơn rất đông đúc nhưng chưa tập hợp được sức mạnh tổng hợp vì thiếu tổ chức đứng ra lãnh đạo. Ảnh: LUẬN NGỮ

Nghiệp đoàn nghề cá của ngư dân Lý Sơn ảnh 2

Ngư dân Lý Sơn phấn khởi bàn luận chuyện gia nhập nghiệp đoàn nghề cá. Ảnh: LUẬN NGỮ

Cùng giúp nhau vươn ra khơi xa

500 ngư dân (số tròn) đã có đơn xin tham gia và chính thức trở thành thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết xã An Hải được chọn làm xã điểm triển khai thí điểm mô hình nghiệp đoàn nghề cá. Đây là mô hình đánh bắt mới, là sự cộng gộp các mô hình đánh bắt mà ngư dân Quảng Ngãi lâu nay áp dụng.

Cũng theo ông Nguyên, nghiệp đoàn nghề cá sẽ giúp tư vấn cho ngư dân về các vấn đề pháp lý, các văn bản liên quan đến hoạt động đánh bắt trên biển. Khi có những chính sách mới của Nhà nước thì các thành viên nghiệp đoàn sẽ là những đối tượng được tiếp cận đầu tiên. Nghiệp đoàn nghề cá cũng sẽ tập hợp đông đảo ngư dân tham gia để cùng giúp nhau vươn ra khơi, cùng đi đánh bắt chung, tương tự như hình thức đánh bắt theo tổ, theo đội. Ngoài ra, nghiệp đoàn sẽ xây dựng một tổ chức riêng biệt để kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, giúp ngư dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để cải hoán, nâng công suất, đóng mới tàu thuyền. Bên cạnh đó còn hỗ trợ, giúp đỡ những tàu cá và ngư dân gặp nạn. Trong tương lai cũng sẽ huy động để gầy dựng nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân trong nghiệp đoàn.

“Trước mắt chúng tôi làm thí điểm nên chưa tập hợp hết ngư dân cùng tham gia. Sau thời gian hoạt động sẽ mở rộng và cơ cấu lại cho phù hợp để nghiệp đoàn nghề cá trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trong quá trình hành nghề trên biển” - ông Nguyên cho biết thêm.

Rất cần hậu thuẫn từ đất liền

Trước đây vì không có những tổ chức đồng hành cùng ngư dân chúng tôi nên nhiều vụ ngư dân gặp nạn trên biển không được hỗ trợ kịp thời. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa rất cần có sự hậu thuẫn từ đất liền mà cụ thể là nghiệp đoàn nghề cá. Nếu mô hình này đi vào đời sống ngư dân thì sẽ giúp cho ngư dân rất nhiều việc hữu ích.

Ngư dân DƯƠNG LÚA, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

LUẬN NGỮ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm