Ngoại trưởng Mỹ thăm Myanmar

Dự kiến ngày 30-11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ thăm Myanmar trong ba ngày. Báo chí quốc tế nhận định chuyến thăm mang tính chất lịch sử vì đây là chuyến thăm của một ngoại trưởng Mỹ đến Myanmar trong hơn nửa thế kỷ qua.

Một tuần trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chuyến thăm đánh dấu bước ngoặt cơ bản về chính sách của Mỹ đối với Myanmar.

Theo hãng tin AFP, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ khẳng định cam kết của Mỹ về chính sách đối thoại trực tiếp với chính quyền Myanmar. Bà cũng sẽ tuyên bố thái độ ủng hộ của Mỹ đối với chính sách cải cách của Myanmar trong thời gian gần đây và thảo luận các biện pháp cải cách sắp tới. Nhật báo San Francisco Chronicle (Mỹ) nhận định từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái (lần tổng tuyển cử đầu tiên trong 20 năm), Myanmar đã đạt được nhiều tiến bộ trong chính sách mở cửa. Thậm chí Myanmar đã tiến xa hơn khi sửa đổi nền kinh tế vốn trì trệ và từng bước giải quyết mâu thuẫn sắc tộc kéo dài nhiều thập niên.

Với những nỗ lực ấy, báo cho rằng Myanmar đã nhận được nhiều phần thưởng chính trị, trong đó có chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Dù vậy, chính phủ mới của Myanmar vẫn do quân đội cầm quyền. Giao tranh giữa quân đội với các sắc tộc tại Myanmar vẫn căng thẳng. Đụng độ vẫn tiếp diễn ở khu vực sắc tộc Kachin (miền bắc Myanmar).

Ngoại trưởng Mỹ thăm Myanmar ảnh 1

Biếm họa của Paresh Nath, báo KHALEEJ TIMES (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Chữ trong ảnh: Australia = Úc, South China Sea = biển Đông, China = Trung Quốc.

Từ khi Myanmar mở cửa kinh tế vào năm 1990, thu hút đầu tư tại Myanmar được thể hiện bằng một thủ đô mới sang trọng. Trong hai năm qua, Myanmar đã đẩy mạnh tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên vẫn chưa tạo ra sân chơi công bằng. Đa số người mua cổ phần đều thuộc các tập đoàn của quân đội.

Tại Myanmar, các sắc tộc chiếm khoảng 1/3 dân số và đều được trang bị vũ khí.

Sau tổng tuyển cử hồi năm ngoái, Myanmar đã thành lập được các đảng sắc tộc cũng như các hội đồng địa phương. Trước chuyến thăm lịch sử của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, một phái đoàn chính phủ đã tổ chức đàm phán hòa bình với năm nhóm vũ trang, trong đó có liên minh lực lượng Karen và lực lượng vũ trang Shane.

Dù vậy, mục tiêu thành lập lực lượng sắc tộc bảo vệ biên giới do chính phủ lãnh đạo đã gặp thất bại.

Báo San Francisco Chronicle nhận định trong khi cải cách chính trị tại Myanmar đang tiếp tục hứa hẹn thì những thay đổi về kinh tế sẽ rất quan trọng nhằm vực dậy một quốc gia từng được xem là thịnh vượng nhất Đông Nam Á nhưng nay lại xếp vào danh sách các nước kém phát triển nhất khu vực. Vấn đề gai góc là bài toán giải quyết kinh tế của Myanmar có thể sẽ bế tắc do mâu thuẫn sắc tộc.

Tân Hoa xã đưa tin ngày 28-11 tại Bắc Kinh, trong buổi tiếp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc và Myanmar sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực đồng thời đề nghị quân đội hai nước đẩy mạnh hợp tác, đưa quan hệ Trung Quốc - Myanmar lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Đáp lời, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing nói Myanmar sẽ đẩy mạnh hợp tác quân đội với Trung Quốc nhằm duy trì hòa bình và ổn định. Ông nhắc lại Myanmar vẫn tiếp tục tôn trọng lập trường của Trung Quốc về lãnh thổ Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.

_______________________________

Hãng tin AFP ngày 29-11 nhận định trong bối cảnh Myanmar đang nỗ lực mở cửa, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lần này nhằm mục đích củng cố ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực để đối trọng với Trung Quốc. Chuyến thăm của bà Hillary Clinton cũng sẽ thúc đẩy Myanmar hội nhập tích cực hơn trên chính trường quốc tế.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm