Ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 và mồ hôi nông dân

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết nếu không có gì thay đổi, năm 2012 Việt Nam có thể xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo, vượt qua Ấn Độ, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Đằng sau niềm vui ngôi vị xuất khẩu số 1 là nỗi buồn lớn của người nông dân vẫn bán gạo giá thấp, nhiều doanh nghiệp (DN) bán không được giá, có DN hoạt động thua lỗ nợ nần. Giá trị xuất khẩu gạo năm 2012 thấp hơn tới 9% so với cùng kỳ năm 2011, giá bình quân một tấn gạo xuất khẩu chỉ khoảng 443,5 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu bình quân năm 2011 là 493,6 USD/tấn. Nếu xét về giá trị, Việt Nam chỉ đứng hạng ba.

Dù vượt mục tiêu đề ra nhưng 2012 là năm DN xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn vì giá xuất khẩu “chạm đáy” giá thế giới, nhiều DN ào ạt xé rào bán dưới giá sàn VFA quy định. Cụ thể, giá sàn xuất khẩu VFA đưa ra đối với gạo 5% tấm là 450 USD/tấn, gạo 25% tấm 425 USD/tấn nhưng có thời điểm giá gạo 5% tấm bằng giá gạo 25%. Với dòng gạo 25% tấm, có lúc giá giảm thê thảm còn 370-380 USD/tấn, bằng giá gạo Ấn Độ mà không ai mua. Từ đó kéo theo giá trong nước giảm mạnh, mức giá chính sách thu mua tạm trữ Chính phủ đưa ra 5.000 đồng/kg nhưng nông dân phải bán giá 4.000-4.500 đồng/kg ngay cả khi vào vụ.

VFA cho biết giá gạo xuất khẩu giảm do tình hình xuất khẩu chung trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân thị trường chỉ là một phần, còn lại là do sai lầm về nhận định tình hình và điều hành xuất khẩu của DN Việt Nam. Họ nhận định sai thông tin, cố “chạy” theo giá gạo Thái Lan, lại không ký được hợp đồng vì nhà nhập khẩu chuyển sang mua gạo Ấn Độ, Pakistan giá rẻ hơn 100 USD/tấn.

Thái Lan có thể buồn vì tụt xuống vị trí thứ ba nhưng họ đã mang lại niềm vui cho nông dân nước mình và đó là điều đáng được trân trọng. Ngẫm lại Việt Nam sao cứ mãi chạy theo thành tích, hí hửng với ngôi vương nhưng lợi chỉ thuộc về một nhóm DN, còn mồ hôi nông dân vẫn đổ xuống ruộng lúa một cách vô giá trị.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm