“Ngược chiều” cước roaming

Khi dư luận vẫn đang còn tranh luận nóng hổi về cước 3G thì lại có thông tin “lội ngược chiều” về cước roaming vào đầu tháng 10 đã khiến nhiều người tiêu dùng và giới phân tích phải chú ý.

Đồng loạt giảm cước diện rộng

Vừa qua, khi cước data rục rịch điều chỉnh tăng thì cước roaming lại đồng loạt giảm. Mới đây, VinaPhone công bố đợt giảm cước roaming lớn nhất từ trước tới nay. Theo đó, hướng gọi về Việt Nam từ các nước Trung Á giảm tới 62% (Uzbekistan, Turkmenistan), 53 quốc gia khác cũng được giảm đáng kể. Ngoài ra, cước nhận cuộc gọi khi ở nước ngoài giảm đồng loạt ở 29 quốc gia với mức giảm lên tới 44% (như Brunei, Campuchia, Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Nga, Ma Cau, Đài Loan). Cước nhắn tin cũng giảm ở 80 nước, mức cao nhất hơn 22%.

Dịch vụ roaming tuy đã có dành cho thuê bao trả sau và trả trước. Thế nhưng lượng khách chủ yếu vẫn là thuê bao trả sau. Trong thời gian dài, các mạng di động cạnh tranh giành thị phần, thuê bao mới sử dụng, thuê bao trả trước luôn được ưu ái với khuyến mãi 100%, khuyến mãi ngày vàng, ngày bạc… Trong khi đó, không ít thuê bao trả sau luôn ngậm ngùi vì chưa biết đến từ “khuyến mãi”. Việc giảm cước roaming lần này đánh dấu sự quan tâm của nhà mạng tới thuê bao trả sau, không chỉ vì họ trung thành mà còn thực sự là những khách hàng VIP.

“Ngược chiều” cước roaming ảnh 1

“Ngược chiều” cước roaming ảnh 2

Chưa bao giờ cước chuyển vùng quốc tế rẻ như bây giờ.

Người tiêu dùng đã quen với việc giảm cước điện thoại nhưng với mức giảm tới 62% như của VinaPhone vừa qua được cho là khá “sốc”. Ngoài ra, lần giảm giá này của VinaPhone khá trực diện, nhắm thẳng vào các nước có đông du khách và doanh nhân Việt Nam. Đó là các thị trường du lịch như Thái Lan, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore. Khi đến đây, cước gọi về Việt Nam và gọi đi nước thứ ba giảm tới 53%. Theo đánh giá của khách hàng, những ưu ái đối với loại khách VIP này tuy hơi muộn nhưng khá ấn tượng và thực tế.

Giảm cước - ngược hay xuôi?

“Bấy lâu nay roaming quốc tế thường được mặc định dành cho khách hàng VIP thì bây giờ với việc “bình dân hóa” của VinaPhone, dịch vụ này sẽ trở thành phổ biến hơn, doanh thu nhà mạng có thể tăng lên. Xét cho cùng thì mạng di động vẫn phải dựa vào số đông người sử dụng” - một chuyên gia viễn thông nhận định.

Việc các mạng đưa ra đợt giảm cước roaming “vô tiền khoáng hậu” như vừa qua có thể là sự lựa chọn khôn ngoan. Trên thực tế, phần lớn người Việt đi nước ngoài còn rụt rè không dám sử dụng roaming. Theo các nhà mạng thì doanh thu roaming trong nhiều năm không có tiến triển. Vì vậy, việc giảm đơn giá cước roaming sẽ khuyến khích người dùng và giúp nhà mạng tăng trưởng.

Ngoài việc giảm giá cước roaming, đơn giản hóa bảng cước, một trong những cách nhà mạng trấn an người sử dụng là đưa ra gói cước có hạn mức thanh toán. Hiện nay, MobiFone, VinaPhone và Viettel đều đưa ra các gói không giới hạn. Trong đó, VinaPhone có tới 16 quốc gia áp dụng. Khi sử dụng data ở nước ngoài, khách hàng hoàn toàn kiểm soát được chi phí với mức cước tối đa là 219.000 đồng/ngày mà không cần phải đăng ký trước khi đi nước ngoài.

Những tháng cuối năm, khi việc làm ăn và du lịch tại các nước lân cận tăng mạnh thì cũng là lúc VinaPhone giảm sâu cước roaming. “Đợt giảm cước roaming này đang đi ngược lại xu hướng tăng giá cuối năm nhưng thực tế đã xuôi theo quy luật: Doanh nghiệp muốn phát triển phải vì quyền lợi lâu dài của khách hàng” - một đại diện VinaPhone chia sẻ.

THANH THẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm