Người bệnh viêm gan siêu vi C chưa được BHYT quan tâm

Người bệnh viêm gan siêu vi C chưa được BHYT quan tâm ảnh 1

Bệnh nhân viêm gan đang được tư vấn và điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Anh Nguyễn Văn Khiêm (31 tuổi), từ Bắc vào Biên Hoà (Đồng Nai) làm công nhân, bị nhiễm HCV trong một lần truyền máu sau tai nạn giao thông. Anh Khiêm phải điều trị trong vòng một năm theo phác đồ điều trị của bác sĩ nhưng anh không thực hiện được vì quá nghèo. Lương của anh mỗi tháng chỉ được 1,8 triệu đồng, tháng nào tăng ca lên được 2,2 hoặc 2,4 triệu đồng, trừ ăn uống chi tiêu dè sẻn, anh chỉ để dành được một triệu đồng. Trong khi đó, nếu dùng thuốc đặc trị cũ (cho người ít tiền) cũng hết 60 triệu đồng/năm.

Giống như anh Khiêm, nhiều người mắc bệnh này do không đủ tiền nên điều trị ngắt quãng, diễn tiến bệnh ngày một nặng hơn. Bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trong tháng 4.2011, bệnh viện đã khám cho hơn 1.600 lượt người bị HCV. Bệnh nhân phần lớn không có tiền theo đuổi đến cùng phác đồ điều trị. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đã nhiều lần đề xuất lên bộ Y tế để người bệnh viêm gan siêu vi C có cơ hội điều trị nhiều hơn nhưng chưa có kết quả.

Khoảng 85% trường hợp nhiễm HCV chuyển thành viêm gan mạn tính. Khi nhận thức của người bệnh còn thấp, phát hiện bệnh thường rơi vào giai đoạn cuối, nhiều người nhiễm HCV nhưng không có triệu chứng của bệnh. HCV tiến triển thầm lặng qua 10 – 20 năm, có thể đã chuyển sang giai đoạn xơ gan. Người bệnh nặng có thể dãn và vỡ mạch máu đường tiêu hoá gây chảy máu ồ ạt và tử vong. Việc điều trị cho bệnh nhân HCV rất cần có sự tham gia của cơ quan BHYT và sự hỗ trợ của toàn xã hội.

Hơn 4,5 triệu người Việt mang siêu vi C trong cơ thể

Thống kê của tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm, thế giới có khoảng 170 triệu người mang mầm bệnh, 3 – 4 triệu ca mới mỗi năm. Tại Việt Nam, GS.BS Phạm Hoàng Phiệt, chủ tịch hội Gan mật TP.HCM, giám đốc trung tâm Gan mật Sài Gòn cho biết: trên 5% dân số (khoảng 4,5 triệu người và có thể tăng hơn nữa) đang mang siêu vi C trong cơ thể, trong đó 30% người bệnh đã tiến triển thành xơ gan, viêm gan, ung thư gan. Số người được tiếp cận, tầm soát và chữa trị còn rất thấp. Viêm gan siêu vi C chưa có thuốc tiêm phòng.

Theo Hoàng Nhung (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm