Người “có duyên” với rác!

Ở ngã ba Quán Hồng, xã Đức Phong (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) hỏi anh Minh làm nghề thu gom rác thải là hình như ai cũng biết. Theo con đường bê tông chạy về phía đông chừng 50 m nữa là nhà anh, “chiến sĩ môi trường” Trương Minh.

Lò đốt rác tự chế

Kể chuyện bà con có người gọi anh Minh “sáng tạo xử lý vệ sinh môi trường” hay Minh “rác”, anh cười hồn nhiên: “Bà con nói đúng đó. Tui suốt ngày sống chung với rác mà. Nói vệ sinh môi trường chi cho rườm rà, cứ Minh “rác” là tiện nhất”.

Vượt hơn cây số đến lò đốt rác ở Gò Đồn, thôn Châu Me giữa nắng trưa, rác bốc mùi nồng nặc, anh Minh khoát tay, nói: “Cái lò rác thải này là của tự biên tự diễn, chẳng giống ai đâu. Ban đầu mình dựa theo cách xây lò như lò đốt than hầm có hai tầng. Tầng một sấy, tầng hai đốt. Được vài hôm thì khói um lên, bà con xung quanh la dữ quá. Mình lại mày mò cải tiến năm lần bảy lượt mới ra cái lò này. Bây giờ lò cũng có hai tầng nhưng mở đến ba cửa để gió thổi vào rác cháy đượm hơn. Phía trên trổ thêm hai ống khói để nó phát tán nhanh. Rác thải của bà con trong xã được gom lên xe đưa về đây rồi phân loại. Phần nào còn tái sử dụng được thì gom chuyển cho cơ sở tái chế. Số còn lại đem phơi rồi đưa lên giàn sấy nên cháy rất giòn”.

Đang say sưa, nghe xe chở rác kéo còi, anh Minh đi nhanh ra phía cổng hướng dẫn xe vào bãi rác. Khi rác được đổ xuống, anh cùng vợ mình - chị Nguyễn Thị Oanh mang bồ cào ra cào, xới rác để phân loại. Theo anh, mỗi ngày trung bình lò xử lý được khoảng bốn tấn rác.

 
Minh “rác” bên lò đốt tự chế của mình. Ảnh: VÕ QUÝ

Ở đâu cũng bén duyên với rác

Anh Minh đã từng là phu trầm, lăn lộn khắp rừng miền tây Quảng Ngãi, Quảng Nam, cả các tỉnh miền núi phía Bắc rồi Tây Nguyên. Có khi trúng mánh kiếm được hàng chục triệu đồng. Nhưng cũng nhiều lần suýt mất mạng vì cướp giật nơi rừng sâu và sốt rét rừng. Sau một trận sốt rét tưởng chừng bỏ mạng, được một gia đình đồng bào dân tộc Ê Đê cứu chữa, anh giải nghệ. Vào TP.HCM kiếm sống bằng nghề bốc xếp, ông trời sắp đặt thế nào cạnh nơi ở là bãi rác của một công ty may. Thấy rác thải có thể phân loại đem bán được nên anh xin vào lượm. Ban đầu công ty cho không, sau thu ít tiền rồi cuối cùng không cho khai thác nữa. Anh cùng vợ tìm xuống Bà Rịa-Vũng Tàu xin đấu thầu một bãi rác khác để mưu sinh, đến năm 2007 thì quày quả trở lại quê vì cha già đang yếu.

Ở quê, anh được bà con bầu làm trưởng khu dân cư số 18, thôn Châu Me. Thấy đường thôn mùa mưa lầy lội, anh vận động bà con đóng tiền làm đường bê tông. Cũng nhờ làm trưởng khu dân cư, nghe nhiều người bày tỏ bức xúc về vấn đề rác trong thôn, ý định làm lò đốt rác của anh bật ra. Nghe ý tưởng, ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch UBND xã, mừng lắm nhưng địa phương lại không có kinh phí. Anh nói: “Xã cho phép là được. Còn chuyện làm để tui lo”. Về nhà thuyết phục vợ, bỏ ra 20 triệu đồng thuê đất làm lò đốt. Ban đầu anh dùng xe máy có đóng thêm giỏ đi gom rác. Sau thì hợp đồng với một người khác để thu gom, bỏ thêm 50 triệu đồng để đóng thùng xe cho đủ sức gom hết rác trong khu dân cư.

Nhờ làm tốt, xã gợi ý anh mở rộng quy mô. Anh Minh xây dựng một đề án thu gom rác thải cho 670 hộ dân với kinh phí đầu tư 500 triệu đồng. Đề án được xã gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Những người có trách nhiệm ở Mộ Đức xem xong cười xòa vì với kinh phí đó, thực hiện được là điều không tưởng.

Đề án bị ngâm, anh Minh thì sốt ruột. Xã bèn bật đèn xanh cho anh tự làm. Vay 200 triệu đồng, hai tháng đưa vào sử dụng sau tết 2011, đường quê sạch đẹp hơn hẳn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phong thấy việc làm của anh hiệu quả nên đề nghị cấp trên cho vay thêm 200 triệu đồng để mua xe vận chuyển rác. Kể từ đó Quảng Ngãi có đội thu gom, xử lý rác thải tư nhân đầu tiên tại xã Đức Phong. Cơ sở có năm người, một tài xế, hai người đổ rác và vợ chồng anh Minh đảm nhiệm việc phân loại và đốt rác.

“Nó làm đâu ra đó”

Bà con nông dân xưa nay quen vứt rác bừa bãi quanh vườn nhà, giờ cứ thấy tiếng nhạc leng keng là í ới gọi nhau. Bí thư xã Phạm Thanh Bình thì nói: “Cái thằng Minh “rác” coi vậy mà ngon. Nó làm đâu ra đó”.

Cũng nhờ làm vệ sinh môi trường tốt, xã đề nghị chính quyền cho anh vay 190 triệu đồng lãi suất ưu đãi để anh trả nợ vay trước đó, đồng thời huyện Mộ Đức hỗ trợ thêm cho anh 70 triệu đồng để cải thiện lò đốt.

Câu chuyện hình thành lò đốt, chuyện được hỗ trợ thế nào được Minh “rác” nói say sưa. Tuy nhiên ở một góc khác, công sức thu gom xử lý mỗi tháng khoảng 100 tấn rác dường như chưa đủ để duy trì hoạt động. 1.000 hộ tham gia đổ rác nhưng chỉ có 670 hộ chịu và có khả năng đóng 10.000 đồng/tháng. Xem ra chính quyền cần phải ủng hộ nhiều hơn nữa cho một người có tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng hiếm hoi như anh Minh “rác” này.

VÕ QUÝ

 

Câu chuyện anh Trương Minh, 48 tuổi, bỏ tiền túi làm vệ sinh môi trường lan nhanh từ xã lên huyện rồi lên tỉnh. Năm 2012, anh được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trao giải thưởng về vệ sinh môi trường. Năm 2013, nhân ngày phát động vệ sinh môi trường 5-6 tại TP Huế, Minh “rác” được bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng giải thưởng Môi trường xanh năm 2013 và bằng khen về việc bảo vệ môi trường.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cũng có thư khen ngợi. Bức thư có đoạn viết: “Việc làm của ông thể hiện tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm vì môi trường sống, vì sức khỏe cộng đồng dân cư, vì lợi ích của nhân dân theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng được biểu dương, nhân rộng ra toàn tỉnh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm