Người đàn bà mê cỏ

Ghé thăm cửa hàng lưu niệm của chị Trịnh Kim Chi (52 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế) một ngày mưa rả rích. Chủ nhân đang say sưa, tỉ mẩn gắn những cọng cỏ gà li ti lên bức tranh còn dang dở. Những hình ảnh thân quen của quê hương như rặng tre, cánh đồng, mái ngói rêu phong… dần hiện rõ. Tất cả đều được làm bằng một chất liệu duy nhất: Cỏ.

Thổi hồn cho cỏ

Sống giữa lòng phố thị, gia cảnh khó khăn, vợ chồng chị phải xoay xở nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Những lúc rảnh tay chị vẫn tự làm thiệp cỏ để tặng bạn bè, người thân vào dịp lễ lạt, sinh nhật. Niềm đam mê ngày một cháy bỏng, chị quyết định nghỉ công việc kế toán để chú tâm vào thế giới cây cỏ. Chị mở một quầy bách hóa nhỏ bán nhu yếu phẩm, trong đó ken dày trên bốn bức tường là những tấm thiệp cỏ huyền ảo được làm từ bàn tay khéo léo của chủ nhân.

Năm 1998, trong một lần làm thiệp, nhìn lại những bông hoa giấy vô hồn, khô khốc đính sơ sài trên mảnh bìa cứng, chị bỗng nảy ra ý tưởng: Tại sao không tận dụng những vật liệu khác để làm cho cánh thiệp sinh động hơn, có thể lưu giữ được bền lâu hơn? Nhặt những cọng cỏ ngay dưới chân mình, chị mày mò thử cắt dán để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh: Giáng sinh quê. Đó là tấm thiệp bằng cỏ đầu tiên ra đời, với hàng cây xanh phủ đầy bông tuyết, những nếp nhà lợp cỏ tranh ẩn mình dưới chân núi trong mùa đông băng giá... “Bản thân tôi cũng ngạc nhiên vì chỉ ngẫu hứng thêm vào ít vật liệu linh tinh mà bức thiệp trở nên có hồn đến lạ. Và tôi gắn đời mình với cỏ từ đó” - chị Chi kể về cơ duyên đến với tranh cỏ.

Hình ảnh thôn quê với lũy tre làng xanh mướt ngả mình xuống dòng sông xanh êm trôi cùng niềm xúc cảm thôi thúc chị làm những tác phẩm lớn hơn các tấm thiệp. Và rồi chị đã thành công khi phóng to tấm thiệp thành bức tranh cỏ lớn trên nền vải bố.

Người đàn bà mê cỏ ảnh 1

Tranh cỏ do chị Kim Chi tự tay làm. Ảnh: YÊN AN

Người đàn bà mê cỏ ảnh 2

Vật liệu tạo nên những bức tranh độc đáo. Ảnh: YÊN AN

Người đàn bà mê cỏ ảnh 3

Trong quầy hàng lưu niệm chật chội giữa lòng cố đô, chị Chi vẫn ngày ngày miệt mài với ý tưởng mới. Ảnh: YÊN AN

Năm 2009, tác phẩm Quê tôi của Trịnh Kim Chi ra mắt công chúng lần đầu tiên tại cuộc Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc tổ chức ở Hà Nội đã nhận được nhiều lời ngợi khen. Bức tranh cỏ với hình ảnh cô gái Huế áo dài tím thướt tha, dòng Hương Giang mát rượi và đàn chim trắng chấp chới bay... hiện lên thật thân thương và gần gũi. Những cọng cỏ, nhúm rong biển, vỏ ốc, râu ngô… được phối màu ăn ý cho thấy sự kỳ công của tác giả.

Chỉ tay vào bức tranh có hai chú cò đang tìm mồi trên bãi, chị Chi nói: “Thoạt đầu tôi đặt tên cho tác phẩm là Đôi cò nhưng rồi một du khách gợi ý lấy tên là Nỉ non. Lúc đó tôi mới nghiệm ra làm tranh thôi chưa đủ, việc đặt tên cho từng tác phẩm cũng rất quan trọng nhằm tôn thêm ý nghĩa, giá trị của mỗi bức tranh”.

Du khách nước ngoài đến Huế thường xuyên ghé qua xưởng sáng tác của chị Chi. Họ bị hút hồn bởi những tác phẩm tranh dân dã, đậm hồn quê Việt. “Thời học trung học, tôi may mắn được một cô giáo ân cần chỉ dạy môn vẽ mỹ thuật. Mỗi tiết học, cô giáo cho cả lớp nghe một bài nhạc hay một bài thơ rồi yêu cầu học trò vẽ lại bức tranh bằng việc tưởng tượng ra những khung cảnh trong bài thơ, bài nhạc đó. Những bài như Làng tôi của Văn Cao, Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh hay Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh... đều được chúng tôi hình dung và vẽ ra giấy.

Mùa hè trữ cỏ, mùa đông làm tranh

“Tôi nhặt rất nhiều loại cỏ dưới bước chân mình, làm việc đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đến nỗi thành thói quen, đi đâu xa tôi cũng cầm theo túi hoặc bất cứ thứ gì đựng được cỏ” - chị Chi nở nụ cười, kể. Những trải nghiệm trong mỗi chuyến đi không ngơi nghỉ từ Nam ra Bắc chính là vốn liếng để chị thổi hồn vào tác phẩm của mình.

Theo chị Chi, trong nội thành Huế cỏ rất nhiều nhưng loại cỏ thân ít nước rất hiếm. Cỏ làm tranh phải là cỏ khô, nếu làm loại thân mọng nước thì chỉ một thời gian ngắn cỏ sẽ nhanh chóng bị rữa, mục làm hỏng tranh. Để có được các loại cỏ nhiều gam màu như nâu, vàng rơm, xanh với nhiều sắc độ khác nhau, chị phải về các vùng ngoại thành xa như Phú Vang, Phong Điền... tìm hoặc hỏi mua những loại cỏ ưng ý.

Cỏ sau khi phân loại và cắt nhánh xong đem phơi khô, nhuộm màu và cho vào túi nylon để không bị hỏng và giữ được màu sắc ban đầu. Tiếp theo, dùng bút màu phác thảo chủ đề, rồi dùng keo hai mặt dán cỏ lên nền tranh là miếng vải bố cắt sẵn theo kích cỡ tùy thích. Đây là khâu khá khó, bởi yêu cầu sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao độ của người làm.

13 năm miệt mài với những tấm thiệp và tranh cỏ, phòng tranh nhiều lần phải di chuyển địa điểm do thiếu kinh phí, song niềm đam mê với tranh cỏ trong lòng người phụ nữ Huế 51 tuổi phúc hậu này không nguội tắt. “Ghép cỏ không khó lắm nhưng khâu chuẩn bị vật liệu có khi phải mất cả tháng trời. Thời tiết ở Huế thất thường nên mùa hè tôi thường tranh thủ kiếm cỏ dự trữ, phơi khô để dành mùa đông làm tranh” - chị nói.

Ước mơ xưởng tranh

Chị Carey - một du khách Mỹ khi ngắm những bức tranh độc đáo của chị Chi đã thốt lên thích thú: “Thật tuyệt! Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng loại tranh độc đáo thế này”. Tranh của chị Chi được nhiều du khách ngoại ưa chuộng, nhờ đó mà bán khá đắt hàng. Những bức tranh cỏ bình dị của chị theo chân du khách ra nước ngoài. Đó là niềm vui lớn của chị Chi. Cỏ cây trong mắt chị như một thứ tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu ái cho cuộc sống, cho đời chị.

Trong quầy hàng lưu niệm bề bộn giữa lòng cố đô Huế, Trịnh Kim Chi vẫn ngày ngày miệt mài với ý tưởng mới. Hiện chị đang truyền nghề miễn phí cho một số bạn trẻ ở Huế có đam mê cỏ cây. Nhiều người luống tuổi cũng đến chỗ chị học làm tranh cỏ, bỏ lại sau lưng nỗi lo cơm áo gạo tiền để tận hưởng chút niềm vui nhỏ nhoi thi vị của đời. “Tôi vẫn ấp ủ ước mơ một ngày nào đó có điều kiện sẽ mở xưởng tranh rộng hơn, đưa tranh cỏ đi được xa hơn nữa” - chị nở nụ cười đôn hậu.

Năm 2009, 30 bức tranh tham dự Festival Làng nghề Huế của chị Trịnh Kim Chi được du khách mua hết. Đó là các tác phẩm: Quê tôi, Hồn thu, Sang sông, Đêm cao nguyên, Cánh vạc chiều...

Ở Việt Nam, nghề làm tranh cỏ khá hiếm, chủ yếu là tranh làm bằng hoa, lá khô. Hiện nay tranh cỏ ngày càng được nhiều người biết đến, phần đông du khách nước ngoài thích thú chiêm ngưỡng và tìm mua làm kỷ niệm. Giá bán mỗi bức tranh của chị Chi dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng.

YÊN AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm