Người dân tại các khu phong tỏa ở TP.HCM, chú ý đặc biệt các nội dung này

Đó là một trong những biện pháp mạnh được đưa ra trong Chỉ thị số 12 của Thành ủy TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên vừa ký về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trong đó, TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cách ly, phong tỏa. Trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình” và tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Người dân ở trong khu phong tỏa chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).

Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.

Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).

Chỉ thị yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy xây dựng kế hoạch chi tiết, thực hiện nghiêm giãn cách trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung, các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân cư cao. Kiên quyết xử lý những vi phạm do chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch.

Cùng đó là củng cố phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc các quy định trong khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung trên địa bàn quản lý, nhất là giám sát, quản lý chặt chẽ các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà và thực hiện cưỡng chế, xử phạt thật nghiêm đối với người vi phạm theo quy định.

Đồng thời, phải nắm chắc người dân, hộ gia đình có ca F0, F1 thuộc dạng nghèo, khó khăn, neo đơn, khuyết tật, tôn giáo, dân tộc... kể cả người nghiện, để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tổ chức điều phối chu đáo, chặt chẽ công tác chăm lo và cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Phân công trực các đường dây nóng 24/24 để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân.

Theo Thành ủy TP.HCM, sau 13 ngày nỗ lực quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 16, nhưng tình hình dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...

Với các biện pháp tăng cường, theo Thành ủy TP.HCM, thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch của TP.HCM.

TP.HCM có hơn 3.000 điểm phong tỏa vì COVID-19

 Tính đến 14 giờ ngày 21-7, TP.HCM có tổng cộng 3.057 điểm phong tỏa vì COVID-19.

Trong số các địa phương, TP Thủ Đức có số điểm phong tỏa nhiều nhất với gần 500 điểm. Địa phương này cũng có nhiều phường phải phong tỏa hoàn toàn, với tổng cộng 12 phường tính đến 16 giờ ngày 21-7. Phường mới nhất bị phong tỏa là phường Tam Phú rộng khoảng 311 ha với dân số khoảng 30.400 người, phong tỏa từ 12 giờ ngày 20-7.

Tại quận Bình Thạnh, chính quyền quận cũng vừa có thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ phường 19 từ 0 giờ ngày 22-7 đến khi có thông báo mới. Phường 19 có 19.000 dân.

Trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi phường, trừ nhân viên y tế, những người thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm