Người dân thiếu thông tin về thuỷ điện xả lũ

Người dân thiếu thông tin về thuỷ điện xả lũ ảnh 1
Người dân cần được thông tin đầy đủ mỗi khi thuỷ điện xả lũ. Trong ảnh: thuỷ điện sông Ba Hạ xả lũ.
Thượng lưu: chưa có quy chế xả lũThuỷ điện An Khê – Ka Nak (Gia Lai) là công trình thuỷ điện đầu tiên trên thượng nguồn sông Ba, có hai hồ chứa nước gồm: hồ Ka Nak (có dung tích 285 triệu m3) và hồ An Khê (có dung tích 5,6 triệu m3) như hai túi nước khổng lồ treo trên đầu của hàng vạn người dân.  Theo ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch UBND thị xã An Khê, đến nay, công trình thuỷ điện này vẫn chưa có quy chế phối hợp xả lũ giữa nhà máy thuỷ điện và chính quyền địa phương, dù công trình đã đi vào hoạt động từ tháng 7.2011. Cuối tháng 5.2011, hồ Ka Nak xả lũ, nhưng không thông báo trước cho người dân, đã gây thiệt hại nặng đối với tài sản, hoa màu của người dân.“Cùng với xây dựng quy chế phối hợp xả lũ, điều quan trọng là chủ đầu tư công trình thuỷ điện, các cơ quan chức năng phải xác định rõ vùng bị ngập khi xả lũ. Đây là cơ sở để xây dựng bản đồ vùng bán ngập một cách cụ thể; chẳng hạn khi thuỷ điện này xả lũ, lưu lượng bao nhiêu, trong bao lâu thì bị ngập; diện tích bị ngập, mức độ ngập của từng khu vực để cắm biển báo... Đặc biệt, phải xác định có bao nhiêu cư dân bị ảnh hưởng khi xả lũ, phương án sơ tán dân thế nào; trước khi xả lũ, phải có đủ thời gian để chính quyền, người dân ứng phó”, ông Thắng nói. Trong khi đó, ông Võ Luỹ, trưởng ban quản lý dự án thuỷ điện 7 – chủ đầu tư công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak thừa nhận: “Hiện chúng tôi chưa thể có được đầy đủ các thông tin theo yêu cầu trên. Những vấn đề này cần sự khảo sát, nghiên cứu của các nhà chuyên môn để xây dựng hoàn thiện quy chế xả lũ”. Do vậy, hầu hết người dân đều không có thông tin quy chế xả lũ. Ông Cao Văn Tân ngụ xã Đông, huyện K’bang nói: “Chúng tôi không biết gì về các thông tin xả lũ. Cứ mỗi lần thấy nước dâng bất thường là đoán thuỷ điện xả lũ. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần tổ chức lấy ý kiến của người dân khi xây dựng quy chế xả lũ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, hơn ai hết người dân biết mình cần bao nhiêu thời gian để chạy lũ. Thế nhưng, hiện nay khi xây dựng quy chế xả lũ, người dân không được tham gia ý kiến”. Hạ lưu: người dân không biết quy trìnhTại các công trình thuỷ điện ở hạ lưu sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên, hầu hết người dân đều không nắm được quy trình xả lũ của hồ thuỷ điện do cơ quan chức năng ban hành. Ông Nguyễn Thành Tân, ngụ xã Hoà Hội, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên nói: “Chúng tôi nghe nói hiện nay quy định mỗi khi xả lũ, nhà máy thuỷ điện thông báo trước hai tiếng đồng hồ. Đây là bất hợp lý vì người dân không thể nào đủ thời gian để chạy lũ; ngoài ra, hiện chúng tôi cũng không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm truyền đạt thông tin xả lũ đến người dân”. Lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương ở Phú Yên cũng thừa nhận quy trình xả lũ chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân. Ông Biện Minh Tâm, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, nói: “Quy trình xả lũ hiện nay còn bất cập, chẳng hạn quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ chỉ có hai giờ là quá ít, chính quyền và người dân không đủ thời gian ứng phó.  Trong khi đó, địa hình sông Ba đoạn xuống Phú Yên có độ dốc lớn, từ nhà máy thuỷ điện Sông Ba Hạ xuống hạ lưu chỉ hơn 50km, nên lưu tốc của lũ rất lớn. Đặc biệt, dọc sông Ba có nhiều xã, khu dân cư nằm ngay dưới cửa xả của các hồ thuỷ điện. Điều này rất nguy hiểm nếu người dân không nắm được thông tin xả lũ”. Theo ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tỉnh này có đến hơn 40 vạn dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp khi hai hồ thuỷ điện xả lũ là Sông Ba Hạ với dung tích 350 triệu m3 và Sông Hinh với 357 triệu m3. Thế nhưng, thực tế hầu hết người dân đều không biết được các quy định xả lũ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng, tài sản của họ.

Lợi nhuận sinh lũ?

Từ ngày 6 – 9.11, tại Quảng Nam, chính quyền các huyện Nông Sơn, Điện Bàn và thành phố Hội An lên tiếng về việc thuỷ điện Sông Tranh 2 xả lũ gây thiệt hại nặng cho người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam nói, thuỷ điện Sông Tranh 2 vừa qua xả lũ là đúng quy trình, nhưng không điều tiết lũ. Theo kỹ sư Nguyễn Mậu, một chuyên giakinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thuỷ lợi ở Quảng Nam, đối với các công trình thuỷ lợi, ví dụ như hồ chứa nước Phú Ninh, có quy trình tích nước từ tháng 1 đến tháng 12, trong thời gian nói trên, người ta vừa giữ nước, vừa xả nước. “Bản thân thuỷ điện cũng có thể làm như vậy được với điều kiện, đừng quá chạy theo lợi nhuận.

Các thuỷ điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam cũng có thể điều tiết lũ theo kiểu hồ Phú Ninh được. Nếu thuỷ điện không có dung tích phòng lũ, anh vẫn khắc phục được, đó là trữ muộn, nghĩa là anh vừa xem thời tiết vừa trữ nước dần”, ông Mậu nói.Theo ông Mậu, có hai lý do để các hồ chứa của công trình thuỷ điện gây lũ là: hồ chứa không có dung tích phòng lũ, hoặc có rất ít và thuỷ điện luôn có xu hướng tích nước sớm, dâng mực nước cao. “Thuỷ điện muốn điều tiết lũ phải theo một quy trình rất chặt chẽ; quy trình liên hồ của các thuỷ điện bậc thang còn phức tạp hơn. Liên hồ thì dung tích phòng lũ của hồ cuối phải lớn hơn và phối hợp nhịp nhàng, điều này cũng khó vì mỗi thuỷ điện là mỗi chủ đầu tư, mỗi lợi ích khác nhau, nên việc phối hợp không phải dễ”, ông Mậu nói. Minh Sơn

Theo  Uyên Thu (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm