Người dân TP.HCM không được tự ý đi qua tỉnh khác sau ngày 30-9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP ban hành về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

duong-pho-sai-gon

Đường phố TP.HCM trong những ngày chuẩn bị nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Bình cho biết Chỉ thị nhằm tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn địa bàn TP; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; củng cố, tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.

Đồng thời, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội TP an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân TP. Đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Theo đó, sau ngày 30-9, TP tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông Lê Hòa Bình khẳng định, tinh thần không phải ngay sau 30-9 trên toàn địa bàn TP tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết.

Cụ thể, TP.HCM yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine cho đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động.

Trường hợp người dân không có mã QR thì xuất trình hai loại giấy tờ: một là giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hai là giấy xác nhận đã tiêm chủng (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Người dân cũng phải thực hiện nghiêm 5K. Khi có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...) hoặc cần cấp cứu y tế thì phải liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.

Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.

Đáng chú ý, người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, TP  khác; trừ trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì thực hiện theo quy định của Sở GTVT.

"Người dân không được tự ý đi xe cá nhân ra khỏi địa bàn TP... Chúng ta ở lại TP tiếp tục tham gia hoạt động sản xuất, nhận gói an sinh, tiêm vaccine...; nếu có nhu cầu về quê thì có tổ chức, được sự chấp thuận của Sở GTVT TP, còn người dân đi xe cá nhân thì sẽ không thể qua các chốt kiểm soát" - ông Lê Hòa Bình khẳng định và cho biết các khu chế xuất, doanh nghiệp đang thiếu công nhân lao động và mong công nhân quay trở lại sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết vừa qua một số công trình đã hoạt động trở lại, cơ hội việc làm cho người dân ở lại TP để phát triển cuộc sống, tự mình chăm lo cho bản thân là rất lớn.

"TP.HCM cũng đã có văn bản gửi cho các tỉnh thành có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP" - ông Bình nói thêm.

Bên cạnh đó, người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP phải khai báo y tế tại cửa khẩu và sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại TP.

TP.HCM cũng yêu cầu người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, chăm sóc sức khoẻ và sống an toàn. Trong khả năng, điều kiện cho phép luôn đồng hành, chung tay, góp sức cùng với các cấp, các ngành, các địa phương chăm lo các hoàn cảnh gặp khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm