Người dân xếp hàng viếng xuyên đêm

Ngày 12-10, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cử hành trang trọng tại nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

“Xin kính cẩn nghiêng mình”

Mới tảng sáng, trước cửa nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, nơi diễn ra lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân đã kéo đến chực chờ trên nhiều con phố và hình ảnh này đã tái hiện suốt ngày hôm qua.

Đúng 6 giờ 30, đoàn gia quyến của Đại tướng gồm khoảng 70 người thực hiện nghi lễ phát tang và viếng linh cữu đang quàn trong nhà tang lễ. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tiếp đó là các đoàn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào viếng Đại tướng trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm hùng. Bên ngoài, người dân ken đặc trên từng con phố, nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt nhiều người...

Người dân xếp hàng viếng xuyên đêm ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước linh cữu Đại tướng. Ảnh: TTXVN

Sau lễ viếng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ghi sổ tang bày tỏ tình cảm đối với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Đánh giá tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng trong lòng dân là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử dân tộc”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thương tiếc: “Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyện mãi mãi học tập tư tưởng, đạo đức và tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí”.

Cũng với tình cảm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để lại trong sổ tang lời hứa trước anh linh Đại tướng: “Chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” như tâm nguyện suốt đời của đồng chí”.

Đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là huyền thoại sống mãi với Tổ quốc ta, nhân dân ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hứa: “Chúng tôi nguyện chung sức, chung lòng hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân”. Chia sẻ với đau thương vô hạn của phu nhân và gia đình Đại tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi trong sổ tang “Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình, kính viếng và tiễn Đại tướng tới nơi an nghỉ vĩnh hằng”.

“Dòng sông người” chờ viếng Đại tướng không ngừng chảy…

Theo kế hoạch phải đến 15 giờ mới là thời gian dành cho cá nhân, đó cũng là cơ hội để người dân được bày tỏ lòng thành kính của mình với Đại tướng. Tuy nhiên, ngay trong sáng 12-10, cánh cửa nhà tang lễ đã rộng mở đón người dân. 

Ông Ngô Duy Lãm, trên tay ôm một bọc túi nylon chứa khoảng 50 bài thơ ông viết về Đại tướng, nói: “Tôi có mặt ở đây từ 2 giờ sáng, đến bến xe là ra đây luôn. Tí nữa được vào viếng Đại tướng, tôi sẽ dâng 50 bài thơ tôi viết tặng người”.

Chị Lê Thị Kim Loan, ôm chặt tấm ảnh có chị chụp chung với Đại tướng, nói với giọng ngằn ngặt của những tiếng nấc: “Bác thương dân nhiều lắm. Tâm nguyện của tôi là muốn noi theo gương Người đến tận giây phút cuối cùng”. Chị kể ngày trước cha của chị tưởng như mất mạng vì sốt rét. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã cởi chiếc áo trấn thủ để mặc cho cha của chị, nhờ đó mà cha chị được cứu sống. Nói xong, chị hòa vào dòng người đang nhích từng bước tiến về phía cửa nhà tang lễ.

Theo thông báo ban đầu, người dân sẽ có 30 phút để viếng Đại tướng, sau đó sẽ tạm nhường lại cho đoàn của các bộ, ngành đã đăng ký trước. Tuy nhiên, từng ấy thôi cũng đã đủ làm vỡ òa không gian đặc quánh nỗi buồn còn kìm nén trong nhà tang lễ. Cô sinh viên Lê Hồng Tâm (ĐH Thương mại) vừa bước ra khỏi khu vực làm lễ đã ôm mặt rưng rức, bên cạnh cô bạn Phương Mai cũng đã ngồi xuống trên bậc thềm khóc lên thành tiếng.

Dòng người đổ về ngày mỗi đông, trên ba tuyến phố xung quanh nhà tang lễ người dân đã đứng ken đặc lòng đường. Có những người đợi xuyên cả buổi trưa chỉ với một chiếc bánh mì và chai nước lọc. “Tôi với cháu đến từ sáng, chờ qua cả buổi trưa đến giờ mà không thấy đói. Nhưng cháu nó mệt quá, tôi phải tách đoàn đưa cháu lên vỉa hè để cháu ngủ. Chốc nữa cháu dậy, tôi sẽ lại vào viếng Đại tướng bằng được. Không được viếng, kiên quyết không về” - ông Trần Sơn, đang phe phẩy quạt cho đứa cháu nhỏ, chia sẻ. Theo thông báo của ban lễ tang, để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà tang lễ sẽ đón người dân vào viếng xuyên đêm, kéo dài đến 6 giờ sáng 13-10.

Bà con vẫn đổ về “nhà Tướng Giáp”

Nghi thức quốc tang trọng thể đã được cử hành ở nhà tang lễ Trần Thánh Tông nhưng dòng người vẫn lặng lẽ đổ về “nhà Tướng Giáp” lặng lẽ chấp tay vái vọng.

Ông Bàng Bích (74 tuổi) nhà ngõ 107 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) tần ngần vuốt mấy song rào, mắt dõi vào khu vườn tràn ngập hoa bày tỏ: “Ba hôm rồi, ngày nào tôi cũng ra đây viếng Tướng Giáp mà chưa có cơ hội vào trong để gần cụ hơn. Dòng người xếp hàng đến viếng cụ quá đông, tôi tuổi già, sức yếu không chờ nổi đến lượt. Tang lễ bên Trần Thánh Tông chắc cũng rất đông, e rằng khó vào nổi. Thôi thì cứ ra nhà cụ Giáp bái vọng cũng thỏa lòng. Tôi ngưỡng mộ Tướng Giáp lắm, một đời vì nước vì dân, mình có được bình yên ngày nay phải nhớ ơn cụ ấy, uống nước phải nhớ nguồn”. Ông Bích kể về những ngày thơ ấu ở Thái Nguyên đi xem Tướng Giáp thao luyện quân ngũ, những câu chuyện đời thường của vị tướng kiệt xuất. Không theo đường binh nghiệp, vị chuyên gia về năng lượng điện vẫn lấy tấm gương Tướng Giáp để rèn con theo lẽ sống làm người.

Người dân xếp hàng viếng xuyên đêm ảnh 2

Người dân khắp mọi miền đất nước đội mưa đến viếng Đại tướng tại quê nhà Quảng Bình.  Ảnh:LÊ PHI

Một số người dân từ các tỉnh xa đến muộn cố gửi nhờ đặt một cành hoa vào khu vườn như để kết nối gần hơn bóng hình, hơi ấm vị tướng thân thương còn ẩn khuất đâu đó. Như sợi dây thiêng thiêng vô hình níu giữ, nhiều bà con chạy xe qua đường Hoàng Diệu nối nhau dừng lại vái vọng trước khi tiếp tục hành trình một ngày mới. Dáng vẻ lam lũ, khắc khổ, chị Phương (50 tuổi) cho biết quê ở Thái Bình ra Hà Nội làm thuê đỡ đần con cháu. trọ tận xóm bãi ven sông Hồng, chị lội bộ ra Hoàng Diệu viếng cụ Giáp. kiệm lời chị rụt rè: “Người quê đến được nhà cụ Giáp bái vọng cũng như thấy cụ ấy rồi, không mong gì hơn”. “Đi viếng cụ Giáp” - câu chào gọi nhau những ngày qua của người dân nghe thân thương, bình dị như cuộc đời một vị tướng huyền thoại. Oai linh đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công lừng lẫy, vị tướng đã yên bình nằm trong vòng tay đồng bào, sống mãi trong tim mọi người!

BÌNH MINH

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm