Người làm ra gạo sạch bán cháy hàng tại TP.HCM

Võ Văn Tiếng (sinh năm 1991) là con trai út trong một gia đình thuần nông ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Những tháng ngày rong chơi ở quê, Tiếng không bận tâm gì đến công việc làm nông của gia đình. Năm 2009, anh lên đường nhập ngũ.

Đừng để ăn xong rồi tốn tiền đi chữa bệnh

Hơn một năm sau, Tiếng xuất ngũ và bắt đầu chuyến đi phượt đầu tiên. Một mình, Tiếng vác ba lô đi khắp các nẻo đường đất nước. Anh đi qua 20 tỉnh, thành. Những chuyến đi giúp anh nhận ra được rằng người dân ở Tây Bắc sống rất hạnh phúc và khỏe mạnh không phải vì họ có nhiều của cải mà nhờ có sức khỏe tốt, thực phẩm sạch. Họ không dùng phân bón hay bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào để làm nông. Trong khi ở nhà, Tiếng vẫn thấy cha mẹ dùng thuốc và phân hóa học với lượng lớn.

Trở về nhà, Tiếng thẳng thừng nói với cha: “Lúa của ba không phải là lương thực”. Câu nói của anh khiến cha sửng sốt.

Tiếng tâm sự: “Ai cũng phải có sức khỏe mới làm việc tốt. Người ta bỏ tiền ra mua thức ăn, nước uống là để mong có sức khỏe. Họ tin vào các sản phẩm nên mới mua nhưng ăn xong rồi lại phải tốn tiền để đi chữa bệnh thì thành ra mình ác quá. Trước hết là mình không muốn ba mẹ phải mắc bệnh, sau là muốn mọi người được dùng đồ sạch, phải là thực phẩm sạch”.

Võ Văn Tiếng (ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn tại đồng ruộng ở quê nhà. Ảnh: TT

Hành trình đơn độc

Nghe Tiếng thổ lộ muốn khởi nghiệp trồng lúa sạch, cha Tiếng một mực phản đối vì biết anh chưa từng đụng đến cái cuốc, chưa một lần sờ tay vào hạt lúa, chưa từng cảm nhận được mùi thơm lúa trổ bông... Tiếng cương quyết: “Ba biết dùng phân, thuốc là độc hại không? Trước tiên hại mình, người tiếp cận phân, thuốc đầu tiên, sau đó hại người tiêu dùng”.

Không thể ngăn được Tiếng, cha anh đã cấp cho 2 ha đất để anh bắt đầu khởi nghiệp với suy nghĩ rồi Tiếng sẽ thất bại, coi đó là cách để răn dạy con. Tiếng bước vào cuộc hành trình mới của mình, đơn độc như những chuyến đi của anh…

Suốt một năm, mỗi ngày anh quần quật với mảnh đất 2 ha để tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, khí hậu, tính chất đất đai, tìm cách cải tạo đất mà không cần đến phân bón hóa học. Anh chủ động tìm kiếm cách trừ sâu cho lúa từ những loài thiên địch trong tự nhiên. Tiếng chờ khi rầy nâu đẻ là anh lại bơm nước vào cho ngập trứng, thả cá lòng tong vào để diệt rầy nâu mà không cần thuốc.

Khi nhìn thấy những hạt gạo đầu tiên ra đời, Tiếng vừa vui vừa buồn. “Vui vì đó là hạt gạo do mình làm ra, là sản phẩm sạch như mình hằng mong muốn. Còn buồn là vì sản lượng không như mình dự kiến. Ban đầu mình đặt mục tiêu là thu được 5 tấn/ha nhưng thực tế chỉ được 3,5 tấn/ha” - anh nói. Lúc đó, Tiếng chưa tìm được đầu ra nên chỉ bỏ mối cho bạn bè, những người thân dùng, chủ yếu truyền miệng để mọi người biết đến.

Rồi anh lại dốc sức để làm tốt hơn trong vụ tiếp theo. Liên tiếp những vụ sau, anh đạt được năng suất đề ra, mọi người sau khi dùng gạo của anh đều tấm tắc khen ngon. Từ 2 ha đất, Tiếng đã mở rộng diện tích trồng lúa lên đến hơn 20 ha. Thương hiệu Gạo hữu cơ Tâm Việt ra đời. Mục tiêu sắp tới của Tiếng là đạt được bốn vụ mùa trong một năm.

Vài ngày nữa, Tiếng lại vác ba lô để đi đến nhiều vùng đất mới. Anh bảo phải đi để học hỏi, để mở rộng tầm nhìn chứ ngồi nhà thì không thể khá hơn. “Cứ đi thôi, đến khi nào nảy ra ý tưởng hay ho thì mới về” - Tiếng chia sẻ.

 

Ngày 1-10, “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” của mình được Tiếng mang đi thi “Dự án khởi nghiệp” mùa thứ hai do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Chiều 2-10, dự án của anh đã đạt giải nhất cuộc thi với số tiền thưởng 40 triệu đồng và được Công ty Cổ phần Vinamit tài trợ 50 triệu đồng cho chương trình “Khởi nghiệp nông nghiệp bền vững”.

Sản phẩm của Tiếng đến nay được bán rộng rãi ở nhiều nơi. Trong Phiên chợ xanh - tử tế do BSA tổ chức vào cuối tuần qua tại TP.HCM, gạo của Tiếng đã không còn đủ để cung cấp cho người dùng.

Tham gia cuộc thi lần này, Tiếng hy vọng rằng dự án của anh sẽ khuyến khích được ngọn lửa đam mê của các bạn trẻ muốn làm nông nghiệp sạch; tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Lợi nhuận từ dự án sẽ được trích ra để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và các vùng khác… Ngoài ra, nhóm của Tiếng cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật và phương hướng sản xuất cho nông dân để họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà không cần phải tha hương cầu thực.

Người làm ra gạo sạch bán cháy hàng tại TP.HCM ảnh 2

Võ Văn Tiếng giới thiệu dự án tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp”.  Ảnh: THANH TUYỀN

___________________________________

Tình cờ tôi biết đến sự quyết tâm của Tiếng qua một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Với người khác, của đi thì xót, tìm mọi cách để diệt sâu hại bằng đủ loại thuốc nhưng Tiếng thì không. Thà nghiến răng để dịch bệnh ăn hết lúa, mất trắng cả vụ mùa đó chứ Tiếng nhất quyết không sử dụng thuốc. Không dễ gì tìm được những thanh niên chịu khó, có những suy nghĩ quyết liệt như vậy. Với Tiếng, tôi không ngại đầu tư để em đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Tôi nghĩ đó là chuyện mình nên làm. Tôi tin Tiếng sẽ làm được nhiều hơn nữa.

Ông PHẠM MINH THIỆN, Phó Giám đốc DNTN Cỏ May, người hỗ trợ vốn, đóng gói bao bì
cho các sản phẩm của Võ Văn Tiếng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm