Người lao động Đà Nẵng ngóng chờ vay vốn sau dịch

(PLO)- Nhiều lao động có mức sống trung bình tại Đà Nẵng mong được vay vốn lãi suất ưu đãi để trang trải khó khăn sau dịch.

Trong căn chung cư cũ, chật chội ở Tổ 51 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), chị Lê Thị Ly Na đang kèm con gái ôn bài. Vợ chồng chị có ba người con, đứa lớn nhất vừa thi lớp 10, bé nhì năm nay lên lớp 3, còn bé út học mẫu giáo.

“Cực mấy cũng ráng cho con ăn học!”

Chị Na làm giúp việc theo giờ, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy nên bấp bênh hơn. Anh thường lui tới các công trình xây dựng nhặt nhạnh vật liệu xây dựng còn thừa mang bán để kiếm thêm. Các con đang tuổi ăn tuổi lớn, vợ chồng không có thu nhập cố định nên tiền kiếm được cứ như gió vào nhà trống, thiếu trước hụt sau.

Bao lần chị Na tính cóp nhặt ít vốn để sắm chiếc xe nước mía bán vào buổi tối mà chưa thành. Có lúc bí quá, chị đã nghĩ đến việc “vay nóng” tín dụng đen cho con đi học nhưng rồi không dám vì sợ không gánh nổi tiền lãi.

Mới đây, cô con gái lớn dự thi vào lớp 10 nhưng không đậu nên chị tính để con theo học trường nghề. Hai bé sau đang học hè, từ nay đến tháng Bảy, chị sẽ phải cố xoay sở để có tiền chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới. Tiền sách vở, đồng phục, học phí… của con cũng ngốn hết tiền triệu.

Chị Na kèm con gái ôn bài. Ảnh: T.AN

“Cực mấy cũng ráng cho con học chứ mới 14, 15 tuổi mà bỏ học thì làm được chi. Nhà có mỗi chiếc xe máy, bé đi học thì vợ chồng tính thay nhau đưa đón hoặc tìm mua chiếc xe đạp điện cũ cho con đi tạm”- chị Na nói.

Cách đó không xa, hoàn cảnh của chị Trần Thị Xí ngặt nghèo không kém. Hai vợ chồng ly thân 10 năm nay, mình chị vừa lo cho con nhỏ ăn học, vừa chăm sóc mẹ già đau ốm. Hàng ngày, chị dậy sớm ra bến lấy cá rồi mang đi bán dạo. Một bên hông là thau cá, bên còn lại là chiếc cân nhỏ kèm bịch túi nilong. Bữa nào ế quá thì chị Xí vào chợ xin ngồi bán nhờ.

Hàng xóm thường mang cho gia đình chị Xí ít cá biển để bữa cơm không quá đạm bạc. Ảnh: T.AN

Cách đây ít hôm, chồng mất vì ung thư, chị dẫn con gái 10 tuổi về quê chịu tang cha. “Tôi mong được vay một số vốn với lãi suất ưu đãi để có thể tiếp tục buôn bán. Vất vả thế nào tôi cũng chịu được, miễn là lo được cho con ăn học và một phần thuốc thang cho mẹ già”- chị Xí tâm sự.

Cần hỗ trợ cho người có mức sống trung bình

Nói về gia cảnh chị Na, chị Xí, ông Văn Phú Nguyên Lai (Tổ trưởng Tổ 51, phường Thuận Phước) cho biết, đây là hai hộ có thu nhập trung bình trong tổ. Đông con, người thân đau bệnh nên dù chăm chỉ làm ăn, cuộc sống của họ vẫn còn bấp bênh. Khó khăn nhưng họ rất quan tâm đến việc học hành của con cái.

“Tổ có nhiều hộ nghèo, thu nhập trung bình nên nhu cầu vay vốn để buôn bán, trang trải học hành, chữa bệnh, sửa chữa nhỏ nhà cửa... là rất nhiều, đặc biệt là sau dịch bệnh. Các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn thì đều đã được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), riêng hộ có mức sống trung bình thì nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Qua quan sát, tôi thấy có nhiều người phải vay tín dụng đen để trang trải cuộc sống, chữa bệnh phải còng lưng trả lãi”, ông Lai nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng, cho biết các hộ có mức sống trung bình theo chuẩn của Trung ương thì được vay vốn để trang trải chi phí học tập theo Quyết định 05 và vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra chưa có chính sách tín dụng ưu đãi nào dành riêng cho hộ có mức sống trung bình.

Riêng hộ có mức sống trung bình theo chuẩn của địa phương được quy định tại Nghị quyết 76 của HĐND TP thì vẫn chưa có chính sách tín dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 của UBND TP Đà Nẵng và Nghị quyết 11 của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đều đưa ra giải pháp hoàn thiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững.

Trong đó, nêu rõ cần phải nghiên cứu, xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình. Qua đó thực hiện tốt thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới trên địa bàn.

Hiện UBND TP Đà Nẵng cũng đã giao Sở LĐ-TB&XH phối với với NHCSXH và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện khảo sát nhu cầu vay vốn, xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình để báo cáo HĐND trong phiên họp cuối năm nay.

“Chi nhánh NHCSXH đã báo cáo NHCSXH Trung ương về chủ trương này của thành phố và được NHCSXH Trung ương hết sức ủng hộ, hỗ trợ về mặt xây dựng chính sách và các điều kiện về phần mềm hỗ trợ khi chính sách được ban hành” – bà Hoa nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới