Người mang “gan hùm” trấn áp tội phạm

Anh Nguyễn Trọng Huy (46 tuổi, quê gốc ở Tiền Giang, hiện ngụ phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) tham gia làm bảo vệ dân phố (BVDP) từ năm 2009 và được mọi người tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng. Với anh, công việc này đã ăn sâu vào máu, trở thành niềm đam mê riêng.

“Tôi trầy da tróc vảy thì anh cũng mệt!”

Lúc anh Huy mới tham gia BVDP cũng là thời điểm phong trào đua xe nở rộ. Ở địa bàn phường Tam Phú, chiều nào cũng có khoảng gần 100 thanh niên tụ tập rồi gầm rú đua xe dọc tuyến đường Phú Châu. Anh Huy đã lên phương án cho mọi người trong tổ dùng xe máy trấn áp hết đoàn đua này đến đoàn đua khác. Mọi người ai cũng lo sợ vì những thanh niên đua xe rất hăng máu, bất chấp tính mạng để đối đầu nhưng anh cứ khăng khăng phải dẹp cho bằng được.

“Có mấy lần tụi nó ủi thẳng xe vào người tôi, cũng bị thương nhiều lần, có khi chỉ trầy xước qua loa. Vài vết thương nhỏ, đâu có thành vấn đề” - anh Huy kể lại. Chính sự ráo riết và cương quyết của anh cùng mọi người trong tổ BVDP mà chỉ trong một thời gian ngắn đã không còn đám đông tụ tập đua xe nữa.

Hết đua xe thì đến bắt trộm, bắt cướp... Mà bất cứ là chuyện gì, hễ cứ nghe khu phố báo lên có chuyện là dù ban ngày hay ban đêm, anh cũng là người có mặt đầu tiên để chỉ đạo cho anh em phối hợp làm nhiệm vụ. Có lần nghe có vụ cháy, anh chạy tới hiện trường, xông thẳng vào nhà dân để giúp họ rồi bị kẹt lại. Vậy mà anh cười nói thản nhiên: “Thấy vậy là tôi chạy ào tới thôi chứ đắn đo làm gì! Lúc đó mà chần chừ là chết người ta!”.

Nghe kể về anh, nhiều người nghĩ chắc anh bị thương tích đầy mình vì liên tục chạm mặt với tội phạm nhưng anh bảo: “Tôi ít khi bị thương nữa là đằng khác. Phải làm sao để mình khỏi bị thương mới hay chứ!”.

Khi được hỏi có khi nào anh nghĩ đến việc sẽ bị trả thù, anh Huy nói chắc nịch: “Mắc mớ gì tôi phải sợ bọn chúng. Sợ người ta trả thù thì tôi đâu có làm. Mình phải làm cho chúng sợ mình chứ sao mình phải sợ chúng! Tôi nói ai cũng chỉ có một trái tim, chắc gì thằng nào hơn thằng nào. Bây giờ anh đụng vô tôi, tôi trầy da tróc vảy thì anh cũng phải mệt theo tôi chứ đừng có giỡn à!”.

Những tình huống khóc cười

Vì cái nghề đem lại nhiều hứng khởi và niềm vui nên anh Huy nói rằng anh sẽ gắn bó đến khi nào không còn sức thì thôi. Đó là những khoảnh khắc mà anh cùng cả đội cười ra nước mắt, giây phút căng thẳng để bắt được tội phạm, hay là sự thương cảm giữa người với người mà nếu không làm BVDP thì anh sẽ không có cơ hội trải nghiệm.

Có lần được báo tin có trộm trong một khu nhà trọ, chỉ trong hai phút anh đã có mặt tại nơi xảy ra vụ việc. Đi khắp lầu trệt căn phòng mà không thấy tên trộm đâu, anh liền nhìn lên phía trên gác và đâm nghi ngờ. Vừa bước lên bậc thang thì bỗng dưng một cô gái chạy đâm sầm vào người khiến anh chưng hửng.

“Là vì cô ấy… không mặc quần áo. Lúc đó tôi bối rối quá, không biết phải làm sao, cứ đứng im như trời trồng vậy. Sau đó, tôi định thần lại được mới xông vào khóa tay tên trộm ở phía sau. Thì ra tên đó trộm xong, thấy cô gái đang nằm ngủ bèn giở trò cưỡng hiếp. Giờ nghĩ lại thấy cũng mắc cười. Sau đó tôi còn phải đưa khăn cho cô gái quấn vào người...” - anh Huy kể lại trong tiếng cười của mọi người.

Lần khác anh bắt được một tên trộm mà khi tìm hiểu ra anh mới biết rằng người đó đang rơi vào cảnh bế tắc nên mới đi ăn trộm. Người đó có vợ mới sinh con, bản thân lại đang thất nghiệp, gia đình ba người không có cái để ăn. “Biết hoàn cảnh người ta vậy rồi tôi bỗng thấy tội nghiệp mà anh đó mới trộm lần đầu nên tôi không báo cáo. Tôi khuyên anh ta cố gắng kiếm việc gì làm nuôi vợ con cho tử tế. Một thời gian sau anh ta báo tin đã có công việc ổn định, tôi nghe mà mừng lắm!” - anh Huy kể trong niềm vui.

Cũng có người dân sau khi được anh Huy giúp đỡ, nhiều lần mang thức ăn, chút gạo đến nhà anh làm quà... Rồi anh em trong tổ BVDP, khó khăn gì cũng đều chia sẻ cho nhau nên càng khiến anh cảm thấy quý mọi người hơn.

Anh Huy nói rằng anh sẽ không là một tổ trưởng tốt nếu như mọi người trong tổ BVDP không cùng chia sẻ công việc với nhau. Sở dĩ anh muốn gắn bó với công việc này bởi anh nghĩ thấy việc xấu mà ai cũng lặng im thì xã hội sẽ trở nên vô cảm hơn nữa.

“Tui thấy hiện giờ không ít người đã vô cảm lắm rồi. Thấy người ta té xe hay bị đánh đến chảy máu giữa đường đã không giúp đỡ, can ngăn mà còn đứng cầm điện thoại quay quay. Việc tui làm là nhỏ nhoi nhưng tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm với xã hội mà mình sống nên cứ làm. Biết đâu được, mọi người thấy vậy rồi cùng hành động chung với anh em tụi tôi thì sao” - anh tâm tình. 

“Có Huy thì không phải lo bị trộm cướp”

“Huy là một người rất năng nổ trong công việc. Ở đâu có vụ việc rối ren anh đều có mặt và làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Có Huy thì mọi người ở phường không phải lo lắng về nạn trộm, cướp nữa. Huy làm việc rất chu đáo và có tâm”.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Công an phường Tam Phú, quận Thủ Đức.

____________________

Bị vợ hăm dọa, cằn nhằn

Anh Nguyễn Trọng Huy chia sẻ vợ của anh lo lắng khi thấy anh suốt ngày cứ đi bắt trộm, cướp. Sợ chồng mình bị trả thù nên chị nhiều lần ngăn anh làm nhiệm vụ. Cứ gặp vụ việc là anh lại thay đồ rồi xách xe chạy dù trời đã khuya hay mưa to nên vợ càng lo lắng hơn.

“Vợ tôi lo lắng cho tôi nên cứ cằn nhằn, hăm dọa bắt tôi nghỉ việc. Tôi đi bắt trộm, bắt cướp, về nhà chưa bao giờ kể với vợ. Anh em trong tổ tới nhà tôi chơi cũng không dám nói chuyện công việc, lỡ có ai bị thương tích thì càng phải… im re. Mất công vợ bắt tôi nghỉ làm thì sao mà tôi chịu được!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm