Hành vi của Tường không chỉ vi phạm pháp luật hình sự, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn vi phạm nghiêm trọng đến đạo lý làm người. Hành vi vô lương tâm này cần phải lên án và xử lý thật nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác.
Tuy nhiên, hành vi của Tường có phạm tội giết người như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không, cần phải xác định rõ một số vấn đề như sau:
Nếu chị Huyền đã chết trước khi bị ném xuống sông để phi tang thì hành vi của Tường cùng một số người khác chỉ phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 99 BLHS. Còn hành vi ném xác nạn nhân xuống sông sau đó có dấu hiệu của tội xâm phạm thi thể theo Điều 246 BLHS, đồng thời là thủ đoạn che giấu tội phạm.
Nếu chị Huyền chưa chết trước khi bị ném xuống sông nhưng do hoảng hốt, sợ trách nhiệm và để che giấu hành vi chữa bệnh trái phép, đồng thời cũng để phi tang thì hành vi của BS Tường cùng một số người khác đúng là phạm tội giết người. Giết một người hấp hối vẫn là giết người. Hành vi giết người này thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 93 BLHS (để che giấu tội phạm khác). Tội phạm mà Tường và đồng phạm che giấu ở đây là tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy định tại Điều 109 BLHS và tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điều 102 BLHS.
Trong cả hai trường hợp trên, kết quả khám nghiệm tử thi và giám định pháp y đối với nạn nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quyết định tội danh và khung hình phạt đối với hành vi của Tường và đồng phạm.
Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao