Nhà băng ngại cho vay lẫn nhau

Một lãnh đạo cấp cao của VP Bank cho biết, nhiều ngân hàng thương mại còn vốn nhàn rỗi song không dám cho vay liên ngân hàng vì sợ rủi ro. Nguyên nhân là thời gian vừa qua, thị trường liên ngân hàng đã xuất hiện nợ xấu. Các nhà băng vay nhau song chây ỳ trả nợ, thậm chí chưa có khả năng trả - điều chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng, ngay cả giai đoạn khó khăn 2008.

Theo ông, thị trường liên ngân hàng, từ khi lãi suất huy động dân cư bị áp trần, lúc nào cũng sôi động, song thời gian gần đây lại căng theo một hướng khác. Dù lãi suất vẫn ổn định ở 15-16% một năm, nhưng hầu hết những nhà băng có tiền đều không dám cho vay dài hạn, hoặc vay tín chấp.

"Không ít nhà băng khi huy động được tiền từ dân cư đi cho vay ồ ạt. Sau đó, họ phải 'nhặt' từ liên ngân hàng để đắp. Đến khi liên ngân hàng bị rút là thấy luôn hệ quả", tổng giám đốc một nhà băng khác phân tích. Đây cũng là nguyên nhân thời gian gần đây, các ngân hàng rất dè chừng nhau.

Nguồn tin từ VPBank cho biết, nhà băng này cũng cân nhắc kỹ khi cho vay liên ngân hàng và không chấp nhận các khoản tín chấp. Lãnh đạo một nhà băng có trụ sở chính ở Hà Nội tiết lộ: “Giờ chỗ nào cũng vậy, muốn vay liên ngân hàng thì phải có trái phiếu chính phủ, tin nhau cũng khó". Ông cho biết, trước đây, nhà băng này cho vay liên ngân hàng nhiều nhưng giờ tìm cách thu hồi hết nợ và co hẹp hoạt động này.

Giám đốc một ngân hàng thương mại thuộc nhóm G12 tại Hà Nội xác nhận, đơn vị này cân nhắc ngay khi thị trường liên ngân hàng bất ổn. Ông này cũng cho hay, thời gian qua, có một số nhà băng nhỏ chấp nhận lãi suất cao để vay liên ngân hàng nhưng không trả được nợ khi đến hạn. Không nêu tên, nhưng vị này tiết lộ có ngân hàng đang lớn đang bị kẹt cả 10.000 tỷ đồng ở một đơn vị nhỏ, mà chưa đòi được.

Trong khi đó, không ưu tiên kỳ hạn dài, song các ngân hàng lớn vẫn khẳng định, cho vay tín chấp bình thường trên thị trường liên ngân hàng. Phó tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết, nhà băng này vẫn cân nhắc và xử lý hài hòa tỷ lệ các khoản vay tín chấp và vay có tài sản đảm bảo.

Theo ông Thọ, với các ngân hàng có tình hình tài chính tốt, quản lý thanh khoản có kinh nghiệm, quy mô lớn, uy tín trong hoạt động tín dụng, Vietibank vẫn có thể cấp hạn mức cao. "Những đơn vị hoạt động không tốt bằng, trong trường hợp nhất định phải yêu cầu có bảo đảm trên cơ sở chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngân hàng", lãnh đạo Vietinbank nói.

Theo ông, một số nhà băng dè chừng với khoản vay tín chấp trên thị trường 2 thời gian gần đây, có thể do đã "dính" vay tín chấp không trả nợ đúng hạn. Điều này có phần khác biệt so với thông lệ, vì trên thị trường liên ngân hàng, thông thường các nhà băng cho nhau không yêu cầu có tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng phủ nhận thông tin không cho vay tín chấp. Ông Bảo cho biết, đến thời điểm này, Agribank vẫn cấp tín dụng trên thị trường liên ngân hàng bình thường và cân nhắc các khoản tín chấp với có tài sản đảm bảo.

Hiện nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng dao động 16 - 19% một năm, thay đổi theo từng ngày, cao hơn 2- 5% so với niêm yết trên website Ngân hàng Nhà Nước. Dù thế, mức này đã giảm gần một nửa so với mốc 30 - 40% cách đây hơn 1 tháng. "Đây cũng là tín hiệu cho thấy, cho vay liên ngân hàng đang dần quay về thông lệ", ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Vietinbank nhìn nhận.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 12/11 đến 18/11, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở kỳ hạn dài. Mức giảm mạnh diễn ra với kỳ hạn 12 tháng và trên 12 tháng, lần lượt là 5,84% và 3,76% so với tuần trước. Các kỳ hạn ngắn, lãi suất có xu hướng tăng.

Theo Tuệ Minh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm