Nhà nước còn ôm đồm, khó cải cách bộ máy

Nhà nước ôm đồm quá nhiều việc như hiện nay sẽ khó có thể thực hiện cải cách hiệu quả mà chỉ khiến cho bộ máy thêm cồng kềnh. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo tiếp tục cải cách bộ máy Chính phủ Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 13-6.

Nặng cơ chế dựa dẫm

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herstrom cho rằng muốn cải cách bộ máy Chính phủ, Việt Nam phải bám vào ba nguyên tắc: Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội, khối tư nhân không làm được; trung ương chỉ làm những việc mà cấp địa phương không làm tốt hoặc không làm được; nâng cao tính minh bạch và tính giải trình trong các hoạt động của Chính phủ.

TS Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, cho rằng Chính phủ, các cơ quan hành chính Nhà nước còn đang ôm đồm nhiều việc không nhất thiết phải ôm, dẫn đến việc giải quyết, quyết định, thẩm định, cấp phép, cho phép… nhiều. Đi liền với đó là các thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà và là cả một loạt các cơ quan đông đúc nhân lực. “Nhiều trường hợp, cấp dưới muốn chắc ăn, cứ trình lên trên xin ý kiến rồi mới làm. Nếu có bị phê phán gì thì cứ viện lý rằng cái này đã được Thủ tướng chấp nhận tại văn bản này, bộ trưởng đồng ý ở văn bản kia rồi. Điển hình như vụ xây dựng cổng chào trong dịp đại lễ ngàn năm, mua máy bay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam…” - ông Hòa minh họa.

Theo ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ, tính trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước là một khâu rất quan trọng. Tuy nhiên, với cơ chế tập thể như hiện nay thì cái gì dính đến trách nhiệm sẽ dễ bị đùn đẩy. Giải quyết công việc đều thông qua họp hành, lấy ý kiến tập thể, vì vậy mà họp hành rất nhiều nhưng giải quyết công việc thì chậm và các quyết định thường là quyết định tập thể. Điều này đã tạo nên một cơ chế cả bộ máy dựa dẫm vào nhau, không rõ ràng.

Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế của CIEM, nêu lên thực trạng hiện nay là chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước còn chung chung, nhiều mối. “Cụ thể, chỉ một việc khai thác, chế biến khoáng sản hiện nay có đến ba bộ cùng quản lý. Bộ Công Thương quản lý về khai thác mỏ và chế biến khoáng sản nói chung. Bộ Xây dựng quản lý về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, chế biến xi măng. Tuy nhiên, thẩm quyền cấp phép là thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Ngoài tóp nhưng trong vẫn phình

Nhiều ý kiến quan tâm việc đổi mới bộ máy tổ chức theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Ông Thái cho hay dù đã nhiều lần tách ghép các bộ, song bộ máy của Chính phủ vẫn còn quá đồ sộ, đội ngũ công chức không thuyên giảm. Ông Thái nêu: “Bộ Công Thương được xem là nỗ lực trong giảm đầu mối quản lý Nhà nước nhưng hiện có đến 30 cục, vụ và ban với lượng cán bộ gần 1.300 người. Hiện nay, bình quân một bộ có 21 đơn vị trực thuộc với hơn 1.000 cán bộ, công chức”.

Theo ông Hòa, ưu điểm nổi bật trong 10 năm cải cách là số đầu mối cơ quan của Chính phủ giảm khá mạnh từ 38 xuống còn 30. Tương tự, số sở ngành, phòng ở tỉnh thành, quận huyện cũng giảm. “Tuy nhiên, nhìn bên ngoài thì số lượng tổ chức bộ máy giảm nhưng số đầu mối các cơ quan bên trong các bộ, các sở lại tăng ở mức không cần thiết”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng việc sáp nhập các bộ ngành một cách cơ học, cộng gộp như hiện nay vô tình tạo nên sự rối rắm. Một số bộ giảm đi nhưng nhiều tổng cục mọc thêm với chức năng, nhiệm vụ như một bộ cũ.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm