Với lối kể chuyện chân thực, cuốn tiểu thuyết như nhật ký của một người lính đã có hai năm gắn bó với mảnh đất thiêng liêng của đất nước.
Từng thể nghiệm năng lực bản thân ở nhiều đề tài khác nhau nhưng biển, đảo với quãng thời gian mà nhà văn Nguyễn Xuân Thủy coi là quý giá nhất cuộc đời vẫn luôn thôi thúc anh viết tiếp. Việc tái bản Biển xanh màu lá cho thấy sự quan tâm của công chúng với đề tài này...
Đến Trường Sa vì những câu chuyện
. Đọc Biển xanh màu lá, người đọc cảm nhận được sự chân thực trong từng câu chuyện. Chất hư cấu của tiểu thuyết có được anh vận dụng nhiều trong tác phẩm của mình không?
+ Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Trong tiểu thuyết chắc chắn có hư cấu. Tuy nhiên, sự hư cấu ở Biển xanh màu lá vẫn dựa trên hiện thực: niềm vui có thực, nỗi buồn có thực, khó khăn có thực… và con người cũng có thực. Mỗi chiến sĩ ở Trường Sa khi cầm cuốn tiểu thuyết trên tay đều thấy bóng dáng mình trong đó. Đúng như trong lời mở đầu sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét anh có cảm giác như tôi đã “xắn từng mảng đời sống vật lên trang giấy”.
. Anh đến Trường Sa với tư cách một người lính chứ không phải là một nhà văn. Vậy hình bóng của cá nhân anh trong tiểu thuyết được thể hiện như thế nào?
+ Tôi đến Trường Sa hoàn toàn tự nguyện: Đến và sống cuộc sống của một người lính, làm nhiệm vụ của một người lính đảo. Sau đó khi trở về đất liền theo con đường viết văn, làm báo; từ những chiêm nghiệm của bản thân tôi mới viết Biển xanh màu lá. Nhiều bạn đọc thường hay “chất vấn” tôi về nhân vật người lính tên Phương và cho rằng nó rất gần với hình ảnh của tôi nhưng thực ra đó là hình ảnh của một người đồng đội đã gắn bó cùng tôi suốt những năm tháng ở Trường Sa. Thế nhưng đúng là tôi đã gửi gắm nhiều tâm sự, trăn trở của mình vào nhân vật Phương như một tự vấn về thế hệ những người lính hôm nay. Còn những nhân vật khác, tôi đã mượn tên một số đồng đội và “nhào nặn” rất nhiều để họ trở thành những nhân vật văn học.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: “Trường Sa đã bắc nhịp cầu duyên để tôi quyết định đi theo con đường chữ nghĩa…”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
. Trường Sa những năm anh xung phong đến vẫn còn nhiều khó khăn, vậy tại sao anh lại quyết định rời đất liền, rời vị trí của một người lính để vào nơi xa xôi chưa một lần đặt chân đến như thế?
+ Trước khi ra đảo, tôi đang làm việc cơ quan chính trị của một đơn vị trong đất liền. Ở môi trường ấy, tôi được tiếp xúc với rất nhiều người lính ở Trường Sa trở về. Mỗi người tôi gặp lại kể cho tôi một câu chuyện. Chính những câu chuyện được nghe đã thôi thúc tôi quyết tâm đặt chân đến miền đất ấy…
Những chiếc phong bì đặc biệt
. Trong hai năm công tác ở đây, hình ảnh nào ám ảnh anh nhất?
+ Thông thường những gì liên quan đến nỗi buồn vẫn có sức ám ảnh hơn cả. Mỗi khi nhớ về Trường Sa, tôi lại nhớ về những đám tang tượng trưng tiễn biệt những người thân của đồng đội về cõi vĩnh hằng. Khi biết tin ở đất liền có người thân của một ai đó qua đời, chúng tôi sẽ lập một bàn thờ rất đơn sơ, chỉ có dòng chữ “Kính viếng hương hồn…” dán trên một cái vỏ chăn, căng lên phía trước bàn thờ để anh em đến viếng người đã khuất, chia buồn với đồng đội. Rồi cũng như ở đất liền, vẫn có những chiếc phong bì để tưởng nhớ người đã mất nhưng chiếc phong bì đó không hề giống những chiếc phong bì viếng đám tang thông thường…
. Chiếc phong bì đó có gì đặc biệt, thưa anh?
+ Chiếc phong bì đó không hề có tiền bởi ở Trường Sa chúng tôi không tiêu tiền. Nếu ai đó đem tiền ra đảo thì cũng chỉ để ngắm nghía cho đỡ nhớ đất liền. Thế nhưng viếng người thân đồng đội mà đi tay không thì không đành. Bởi vậy có người đã nảy sáng kiến: Ai viếng bao nhiêu sẽ ghi số tiền vào một mảnh giấy và để vào phong bì. Người quản lý sẽ trích số tiền “lương” tương ứng với con số ghi trên phong bì của người viếng để chuyển sang chế độ của người được nhận. Những đám tang như thế đều được tổ chức vào ban đêm vì ban ngày chúng tôi đều phải thực hiện nhiệm vụ của người lính.
Nhà văn của Trường Sa
. Anh viết văn từ trước khi ra Trường Sa nhưng có lẽ chỉ khi anh trở về từ Trường Sa và Biển xanh màu lá ra đời thì người đọc mới biết đến anh nhiều hơn. Phải chăng chính Trường Sa đã làm nên Nguyễn Xuân Thủy?
+ Mỗi người viết đều có một hành trình, một số phận văn chương riêng. Tôi cảm thấy may mắn vì có hai năm gắn bó với Trường Sa. Thời gian ở Trường Sa chính là những năm tháng trải nghiệm quý giá, đáng nhớ trong đời tôi và Trường Sa đã bắc nhịp cầu duyên để tôi quyết định đi theo con đường chữ nghĩa. Từ những trang viết về Trường Sa, tôi đã dấn thân viết nhiều hơn. Sau này tôi còn viết và được ghi nhận ở những mảng đề tài xã hội khác nhưng Trường Sa vẫn là “vùng đất thiêng” trong văn chương của tôi.
. Cuốn tiểu thuyết của anh có lời mở đầu của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có vẻ như đây là lần rất hiếm hoi “thần đồng” thơ ca viết lời đề tựa cho một cuốn sách?
+ Đúng là anh Trần Đăng Khoa rất ít khi nhận lời viết mở đầu cho sách và đây cũng là lần đầu tiên sách của tôi có lời đề tựa. Chuyện bắt nguồn từ chỗ khi còn là một người lính Trường Sa tôi rất mê tập truyện ngắn Đảo chìm của anh Khoa. Anh Khoa cũng rất trân trọng những gì viết về Trường Sa, đặc biệt là chuyện tôi cũng từng sống ở Trường Sa và viết nên Biển xanh màu lá giống như anh từng ở đó để viết Đảo chìm. Trong một cuộc giao lưu văn học về đề tài người lính, chúng tôi có gặp nhau và nói chuyện về Trường Sa. Khi sách tái bản, ở thời điểm chuẩn bị in tôi mới nảy ra ý này và gọi điện thoại cho anh. Lúc đó anh Khoa đang đi công tác ở miền Trung, dù rất bận rộn nhưng anh vẫn vui vẻ nhận lời bằng câu nói “Vì Trường Sa một nửa, vì chú một nửa, anh sẽ viết”. Tôi rất cảm động vì điều đó.
. Cùng là những tác phẩm viết về Trường Sa nhưng theo anh, có sự khác biệt nào giữa Biển xanh màu lá và Đảo chìm?
+ Tôi nghĩ là có, bởi không có tác phẩm văn học nào giống nhau. Với trường hợp hai cuốn sách, tôi chỉ nghĩ đọc Đảo chìm, người ta sẽ thấy Trường Sa qua con mắt của một người lính từng sống trên đảo chìm những năm 80 của thế kỷ trước. Còn độc giả sẽ đến với Biển xanh màu lá qua lăng kính của một người lính sống trên đảo nổi những năm giao thời giữa hai thế kỷ.
. Nghe nói cuốn sách thứ nhì về đề tài Trường Sa Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa cũng vừa ra mắt độc giả. Cảm hứng về Trường Sa trong anh liệu vẫn dồi dào, tươi mới?
+ Tôi không dám khẳng định. Xin mời đọc...
. Xin cảm ơn anh.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977 tại Phú Thọ. Anh sở hữu khá nhiều giải thưởng: Giải ba bút ký văn học - Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2004, giải ba truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 2009, giải C (không có giải A) tặng thưởng Báo chí - Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2004-2009) cho tiểu thuyết Biển xanh màu lá, giải nhì (không có giải nhất) bút ký văn học - Tạp chí Nhà văn 2008, giải A cuộc thi tiểu thuyết với đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2007-2010)… Lính đảo đang đọc Biển xanh màu lá của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: TL Anh đã in bảy tập sách, trong đó có hai tập bút ký, hai tập truyện ngắn, hai tiểu thuyết và một tập sách thiếu nhi. Hiện tại, anh là biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân kiêm thư ký tòa soạn tạp chí Văn Hóa Quân Sự. |
VIẾT THỊNH