Nhạc sang sao nỡ ‘phán’ là sến!

Nhìn gói quà tôi biết ngay là sách. Anh bạn biết tôi thích sách. Tan trường, tôi đi một mạch về nhà mới mở ra xem. Ôi một cuốn sách in khá đẹp với cái tựa dễ khiến người đọc tò mò phải mua đọc:Đàn bà thì phù phiếm - Tạp văn của Hà Thanh Vân - NXB Phụ nữ.

Lật vào trang bìa trong thấy giới thiệu tác giả là một tiến sĩ chuyên ngành lý thuyết và lịch sử văn học - giảng viên đại học kiêm nghiên cứu viên - là tác giả hai tác phẩm nghiên cứu đã in riêng và 19 tác phẩm nghiên cứu viết chung. Theo lời giới thiệu của công ty in sách thì ngoài những công trình, bài viết có tính chất hàn lâm, tác giả còn là một công dân mạng nổi tiếng với những bài tản văn về tình yêu, về cuộc sống, về những chuyến đi, về những chuyện lịch sử… và cả những chuyện phù phiếm không tên khác. Thích quá, tôi bỏ cả buổi tối nằm gặm bánh mì đọc hết một mạch.

Những tản văn Hà Nội và tôi, Cẩm Giàng, Đây mùa thu tới, Vạt nắng xiên mùa lạnh… làm tôi nhớ Hà Nội da diết! Rất tiếc sách có nhiều hạt sạn không đáng có, nhất là đối với một giảng viên đại học, tiến sĩ chuyên ngành lý thuyết và lịch sử văn học. Xin đơn cử: Trong bàiNgười đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người? Ngay từ mở đầu tác giả đã thiếu sót khi chú thích là lời bài hát Người đi qua đời tôi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nhưng đấy là thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ, nhạc sĩ chỉ soạn nhạc thôi.

Thiếu sót ấy rất nhỏ nếu so với đoạn sau tác giả viết: “Nhạc vàng hay nhạc sến được hiểu nôm na là những bài hát một thời rất thịnh hành ở miền Nam. Có lẽ nó ra đời bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước với những bài hát có lời lẽ rất dung dị, thậm chí bình dân, nhưng mặt khác lại đậm đà chất thơ và gây một hiệu ứng đặc biệt khiến khán giả nhớ lâu. Phổ biến nhất là những bài hát theo giai điệu Bolero hay Rum-ba…”. Rồi tác giả kể: “Có thứ sến nhiều, kiểu như nhạc của Vinh Sử:“Bước lang thang qua từng vỉa hè/ Biết đêm nay đi về nơi đâu…”. Có thứ sến vừa vừa, kiểu như Mười năm tình cũ của Trần Quảng Nam: “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ…/ Vẫn còn trong ta một đời cuồng điên”… Lại có thứ sến du dương cao cấp như Hoài cảm của Cung Tiến, dù bài này được ông sáng tác năm 14 tuổi. Sến thì đâu cần đợi tuổi - Lòng cuồng điên vì nhớ/ Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?…”.

Tác giả tỏ ra thiếu kiến thức về nhạc Việt. Bài Hoài cảm được Cung Tiến viết năm 1954, lúc ông 18 tuổi (Cung Tiến sinh năm 1936) và sắp sửa rời Hà Nội di cư vào Nam, chứ không phải “sáng tác năm 14 tuổi”(mới 14 tuổi thì làm gì có “đâu ân tình cũ?”). Dòng nhạc sang trọng như thế mà bà tiến sĩ dám gọi là “thứ sến du dương, cao cấp”. Còn Trịnh Công Sơn thì bị bà chê: “Thậm chí, nhiều khi thấy Trịnh Công Sơn cũng triết lý theo một kiểu rất sến!”.

Rõ ràng bà tiến sĩ-giảng viên đại học kiêm nghiên cứu viên này không hiểu nghĩa từ “sến”là gì, dám cào bằng nhạc Vinh Sử với nhạc Cung Tiến, Trịnh Công Sơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm