Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tăng phí bản quyền, tôi… có lỗi!

Trước đó, đầu tháng 3/2011,Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do ông làm giám đốc đã công bố việc tăng gấp đôi mức phí bản quyền ở hạng mục băng, đĩa nhạc.

Cụ thể, tại hạng mục này, theo mức biểu phí mới, số tiền nhà sản xuất phải đóng cho một đĩa CD là 1 triệu đồng/bài/lần xuất bản. Với các sản phẩm đĩa hình DVD, mức phí này là 1,5 triệu đồng. Trước đó, tính tới hết 2010, các mức phí tương ứng mà VCPMC đặt ra là 500 ngàn đồng cho CD và 750 ngàn đồng cho DVD.

Hiện tại, mức giá mới của VCPMC đã gây phản ứng khá mạnh từ các nhà sản xuất băng đĩa. Có thể hiểu điều này, bởi việc tăng giá như vậy cũng là một yếu tố trực tiếp dẫn tới khả năng tăng giá bán của các đĩa ca nhạc trên thị trường - vốn đã khá vất vả trong cuộc cạnh tranh cùng bằng đĩa lậu.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tăng phí bản quyền, tôi… có lỗi! ảnh 1

Tuy nhiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương giải thích:

- Biểu giá về bản quyền không thể cứng nhắc mà phải thay đổi theo thực tế, đó là điều ai cũng hiểu. Không thay đổi mới là điều đáng bàn, khi VCPMC luôn phải bám theo sự vận động của xã hội hiện đại để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Rất nhiều nhạc sĩ - thành viên của trung tâm - đã tỏ ra bức xúc khi VCPMC trong năm qua giữ nguyên giá cũ. Đơn cử, với các ca sĩ diễn viên, mời các bạn khảo sát xem mức thù lao của họ có thay đổi so với cách đây chỉ 2, 3 năm không?

* Thật ra, ý kiến than phiền của nhà sản xuất cho rằng mức phí tăng lên 200% là quá cao và do VCPMC tự ý đưa ra. Xin ông cho biết về việc này?

- Chúng tôi đã tham khảo mức thu của các hãng băng đĩa cũng như mức phí tác quyền mà họ trả cho một số nhạc sĩ không phải thành viên VCPMC. Mức phí mới của VCPMC là hợp lý. Nhiều người chỉ bức xúc vì chữ “tăng gấp đôi” mà không nghĩ rằng bản thân sự chênh lệch đó tính ra tiền không phải là quá nhiều.

Còn trách chúng tôi đưa mức giá mới mà “không hỏi ai” thì hơi buồn cười. Điều đó cũng giống như việc người nông dân có quyền đưa ra mức giá mới trong việc bán gạo của mình thôi. Với RIAV (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam - đại diện của các nhà sản xuất băng đĩa), quả thật nếu trung tâm và họ có quan hệ tốt thì có thể nói trước với nhau theo kiểu: này, ông nhắn thành viên chuẩn bị tinh thần, sang năm chúng tôi tăng giá đấy. Nhưng thực tế, mọi người đều biết từ vài năm nay hai bên chưa hợp tác được với nhau và gần như không có buổi gặp gỡ nào.

* VCPMC tăng mức phí bản quyền trong lĩnh vực băng đĩa lên gấp đôi, tăng “nhẹ” ở lĩnh vực quảng cáo trên truyền hình phát thanh lên gấp rưỡi. Còn các lĩnh vực khác như quảng cáo trên không gian mạng hay sử dụng ca khúc tại quán bar, nhà hàng... thì vẫn được giữ nguyên. Ông nghĩ sao khi có người cho rằng cách làm đó theo kiểu “chỗ nào tăng được, cứ tăng”?

- Mọi việc đều có lộ trình phù hợp và thay đổi dần theo thời gian. Chắc chắn, trong thời gian gần, chúng tôi cũng sẽ tới lúc thay đổi mức phí trong các lĩnh vực đó. Mong mọi người hiểu rõ VCPMC là tổ chức đi bảo vệ và thu tiền bản quyền cho các thành viên, bởi vậy việc thay đổi này là xuất phát từ thực tế và nhu cầu của rất nhiều nhạc sĩ chứ không phải của riêng ai.

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.


Theo Chiêu Minh (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm